1. Thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính[1]
- Thời hạn thi hành: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt (bao gồm quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, quyết định mới ban hành) trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người giải quyết khiếu nại, khởi kiện[2]. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Trách nhiệm theo dõi, kiểm tra: Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.
2. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính[3]
- Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, quyết định mới ban hành) là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định; trường hợp phải nhiều lần thực hiện việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, ban hành quyết định mới, thì thời hiệu là 02 năm, kể từ ngày ra quyết định được đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần. Quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
3. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản[4]
- Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt chết được ghi trong giấy chứng tử; người bị mất tích được ghi trong quyết định tuyên bố mất tích; kể từ thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo về việc doanh nghiệp giải thể; thời điểm quyết định tuyên bố phá sản có hiệu lực. Quyết định thi hành gồm các nội dung sau đây: Đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt, lý do đình chỉ; hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả tiếp tục thi hành.
- Trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản: Cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản thừa kế.
- Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị giải thể, phá sản để thi hành. Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được gửi cho cá nhân, tổ chức trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
- Thủ tục thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này thực hiện theo quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quá thời hạn thi hành quyết định mà cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện. Chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được khấu trừ từ di sản thừa kế mà người bị xử phạt để lại hoặc tài sản còn lại của tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản và được coi là một trong những khoản chi phí ưu tiên thanh toán (nếu có). Trường hợp người bị xử phạt chết không để lại di sản thừa kế, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản không còn tài sản, thì chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó.
- Người thừa kế của người bị xử phạt chết, mất tích, người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản có quyền giám sát, khiếu nại khởi kiện đối với các chi phí tổ chức thực hiện và việc thanh toán chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
4. Một số vấn đề trao đổi
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Tuy nhiên, thời hạn để ban hành quyết định cưỡng chế là bao lâu thì pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa quy định. Tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các trường hợp và biện pháp cưỡng chế. Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt, trách nhiệm thi hành và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế (không quy định về thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế). Điều này dẫn đến những cách hiểu khác nhau:
+ Sau khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì phải tiến hành các thủ tục cưỡng chế ngay. Như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính nhanh chóng, kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính.
+ Chỉ cần còn trong thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì được ban hành và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế mà không phải đặt ra thời hạn là bao lâu thì phải ban hành quyết định cưỡng chế.
- Khoản 2 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt”. Tuy nhiên, trách nhiệm này được thể hiện cụ thể dưới những hình thức nào thì chưa được quy định. Điều này thiếu cơ sở khi xem xét trách nhiệm theo dõi, kiểm ra của người có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì trách nhiệm thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp người bị xử phạt chết thì cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa quy định cơ chế, trách nhiệm trong việc xác định cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế do ai thực hiện. Trên thực tế, việc xác định người thừa kế và phân chia di sản thừa kế do những người thừa kế tự thực hiện trên tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong khi đó, việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm thời hạn, thời hiệu theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, việc pháp luật không quy định cơ chế, trách nhiệm trong trường hợp này dẫn đến sự lúng túng trong thực hiện.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cũng chỉ quy định “Cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế” trong khi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp thừa kế theo di chúc ngoài cá nhân còn có “người thừa kế theo di chúc không là cá nhân” (Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015). Do đó, việc xác định người được hưởng di sản thừa kế chỉ có cá nhân như quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP dẫn đến việc bỏ sót đối tượng có trách nhiệm thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp người bị xử phạt chết.
Từ những vấn đề như đã nêu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy định rõ cơ chế thực hiện trong các trường hợp nêu trên để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và thuận lợi trong thực hiện pháp luật./.
[1] Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính); Điều 16 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).
[2] Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.
[3] Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 16 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP
[4] Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.