Thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 14/6/2018 về việc triển khai thực hiện Đề án 250. Ban Chỉ đạo Đề án 250 và Tổ thư ký giúp việc được Ban Chỉ đạo thành lập, củng cố, kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động. Trên cơ sở Kế hoạch số 124/KH-UBND và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 250, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 250. Trong từng năm, Ban Chỉ đạo Đề án 250 tổ chức họp đánh giá công tác triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến giám định tư pháp; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi danh sách cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Hàng năm (trừ các năm bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19), Sở Tư pháp tổ chức hoặc phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ những người làm công tác giám định tư pháp, quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chuyên môn cử giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định và kiến thức pháp luật chuyên ngành do các Cơ quan Trung ương tổ chức hàng năm.
Thực hiện rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về giám định tư pháp, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật tố tụng có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp. Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp tham gia góp ý các dự thảo Thông tư trong lĩnh vực giám định tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giám định tư pháp phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp. Năm 2021, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám định tư pháp do địa phương ban hành để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả, có 06 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến giám định tư pháp. Từ năm 2018 đến nay, có 01 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND góp phần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám định tư pháp theo tinh thần của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.
Từ năm 2018 đến 30/6/2023, có 8.545 vụ việc giám định tư pháp (pháp y: 5.312 vụ; kỹ thuật hình sự: 3.133 vụ; xây dựng: 02 vụ; nông nghiệp và phát triển nông thôn: 54 vụ; thông tin và truyền thông: 01; văn hoá: 06; khoa học và công nghệ: 37). Tất cả các trường hợp trưng cầu giám định đều được giải quyết kịp thời, chưa có vụ việc nào phải giám định lại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp có lúc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ yếu giao Thanh tra Sở làm đầu mối kiêm nhiệm công tác quản lý công tác giám định tư pháp. Đội ngũ giám định viên tư pháp tuy có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng hạn chế về kỹ năng, kiến thức pháp luật. Thiếu người giám định tư pháp chuyên sâu trong một số lĩnh vực (kim loại, bạc trang sức mỹ nghệ,...). Một số cơ quan chuyên môn từ chối trưng cầu giám định do không đủ năng lực, điều kiện cần thiết (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối giám định 02 vụ do Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu đối với đối tượng giám định là động vật đã chết và bộ phận cơ thể của động vật; Sở Công Thương từ chối trưng cầu giám định điện áp do Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu,...); các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, khi có trưng cầu giám định thì hầu hết đều có lý do từ chối nên khó khăn cho công tác giám định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định tư pháp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác xã hội hóa giám định tư pháp được đẩy mạnh để thu hút các tổ chức chuyên môn và chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp; khuyến khích, tạo điều kiện cho những người có đủ điều kiện và có nguyện vọng thành lập các Văn phòng giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác theo quy định của Luật giám định tư pháp chưa đạt kết quả. Nguyên nhân do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tại một số cơ quan thiếu kinh nghiệm trong công tác này do luân chuyển vị trí công tác hoặc kiêm nhiệm nên chưa có sự chuyên sâu. Giám định tư pháp là lĩnh vực khó, phức tạp nên việc thu hút nguồn nhân lực và việc xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng Luật Giám định Tư pháp (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản quy định chi tiết thi hành còn thiếu thống nhất. Nguồn kinh phí bố trí cho công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trang thiết bị trong lĩnh vực giám định tư pháp mang tính đặc thù, giá thành cao nên việc trang cấp đầy đủ, bảo đảm cho hoạt động giám định còn hạn chế…