Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác không có quy định thế nào là anh ruột, chị ruột, em ruột. Trong thực tế, trường hợp anh ruột, chị ruột, em ruột cùng cha, cùng mẹ là trường hợp đương nhiên. Ngoài ra, đối với trường hợp không cùng cha hoặc không cùng mẹ, nói cách khác, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì có được xem là anh chị em ruột không?
Tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về thừa kế, từ Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có quy định “Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết” (điểm b khoản 1 Điều 25); Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định “Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết” (điểm b khoản 1 Điều 679); Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại” (điểm b khoản 1 Điều 676); Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại” (điểm b khoản 1 Điều 651). Như vậy, các văn bản pháp luật về thừa kế đều đề cập đến hàng thừa kế thứ hai có “anh ruột, chị ruột, em ruột”.
Để hướng dẫn “anh ruột, chị ruột, em ruột”, tại điểm e khoản 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế quy định: "Anh ruột, chị ruột, em ruột là anh, chị, em cùng mẹ hoặc cùng cha, nghĩa là một người mẹ sinh bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các con đó là cùng cha hay khác cha. Cũng tương tự như vậy, một người cha sinh ra bao nhiêu con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các người con đó cùng mẹ hay khác mẹ. Con riêng của vợ và con riêng của chồng thì không phải là anh, chị, em ruột của nhau”. Như vậy, theo Nghị quyết này thì anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha được xem là anh chị em ruột. Ngoài Nghị quyết số 02/HĐTP, chưa có văn bản nào hướng dẫn về nội dung này.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/HĐTP ban hành từ năm 1990 nên cần xác định hiệu lực của văn bản này. Căn cứ quy định tại Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020), văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong 04 trường hợp sau đây: (1) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; (2) Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; (3) Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (4) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Nghị quyết số 02/HĐTP được xem xét theo trường hợp thứ tư là "Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực” do Nghị quyết số 02/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/1996.
Khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và có những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”.
Khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định về việc xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực trong các trường hợp như sau: "a) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực; b) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ; c) Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ”.
Như vậy, đối chiếu với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết số 02/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án nhân dân các cấp áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế không phải là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết. Do đó, không thể áp dụng việc xác định hiệu lực theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù vậy, Nghị quyết số 02/HĐTP được ban hành theo tinh thần của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, trong khi từ ngày Pháp lệnh Thừa kế hết hiệu lực đến nay, đã qua 03 đạo luật liên quan đến thừa kế (Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015). Để áp dụng pháp luật thống nhất, bảo đảm tính pháp lý rõ ràng, rất cần văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định thế nào là anh ruột, chị ruột, em ruột và trường hợp anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì có được xem là anh chị em ruột không.