1. Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền tác giả)
a) Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 45, 46 Luật Sở hữu trí tuệ)
- Quyền tác giả được chuyển nhượng: (1) quyền tác giả: quyền tài sản; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; (2) quyền liên quan: Quyền tài sản của người biểu diễn; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; quyền của tổ chức phát sóng.
- Chủ thể chuyển nhượng: chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Trường hợp đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu. Trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
- Hình thức chuyển nhượng: Theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hợp đồng chuyển nhượng phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; b) Căn cứ chuyển nhượng; c) Giá, phương thức thanh toán; d) Quyền và nghĩa vụ của các bên; đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.
b) Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 47, 48 Luật Sở hữu trí tuệ)
- Đối tượng được chuyển quyền sử dụng: một, một số hoặc toàn bộ các quyền: (1) quyền tác giả: quyền tài sản; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; (2) quyền liên quan: Quyền tài sản của người biểu diễn; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; quyền của tổ chức phát sóng.
- Chủ thể chuyển nhượng quyền sử dụng: chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. - Trường hợp đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu. Trường hợp tác phẩm có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, có thể chuyển quyền sử dụng đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
- Đặc điểm: Việc chuyển quyền sử dụng có thời hạn. Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu.
- Hình thức chuyển quyền sử dụng phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền; b) Căn cứ chuyển quyền; c) Phạm vi chuyển giao quyền; d) Giá, phương thức thanh toán; đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên; e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Quyền sở hữu công nghiệp
a) Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (Điều 138, 139, 140, 148 Luật Sở hữu trí tuệ)
- Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. 2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng. 3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. 4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
- Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp). Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; căn cứ chuyển nhượng; giá chuyển nhượng; quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
b) Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 141, 142, 143, 144 Luật Sở hữu trí tuệ)
- Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp). Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây: 1. Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền. 2. Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác. 3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền; b) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng; c) Dạng hợp đồng; d) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ; đ) Thời hạn hợp đồng; e) Giá chuyển giao quyền sử dụng; g) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây: a) Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó; b) Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hóa đó; c) Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp; d) Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền. Các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp này mặc nhiên bị vô hiệu.
- Những trường hợp hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: 1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao; 2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó; 3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép; 4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu; 5. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.
- Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp: 1. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu), hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. 2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên. 3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký, trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba. 4. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
c) Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ quy định trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế (Điều 145, 146, 147 Luật Sở hữu trí tuệ).
3. Giống cây trồng
a) Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (Điều 194 Luật Sở hữu trí tuệ)
Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ.
b) Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng: Luật Sở hữu trí tuệ không quy định cụ thể về việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng. Tuy nhiên, tại Điều 195 của Luật về căn cứ và điều kiện bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đề cập đến trường hợp người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng. Do đó, đối với cây trồng, vẫn có quyền chuyển giao quyền sử dụng.
c) Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng (Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ): Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng độc quyền (sau đây gọi là người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng): a) Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội; b) Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng; c) Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây: quyền sử dụng được chuyển giao không phải là quyền độc quyền; quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục đích chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp tiếp theo đây; người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác; người được chuyển giao quyền sử dụng phải đền bù thỏa đáng cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.
4. Một số vấn đề trao đổi
- Đăng ký hay điều kiện có hiệu lực của hợp đồng: Theo quy định tại Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ, đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Điều 194 Luật Sở hữu trí tuệ thì bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Như vậy, cùng một vấn đề nhưng đối với quyền sở hữu công nghiệp (đối với các loại quyền được xác lập trên cơ sở đăng ký) thì quy định đăng ký là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng; đối với giống cây trồng thì không quy định đăng ký là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng mà là điều để trở thàn chủ bằng bảo hộ giống cây trồng. Vâỵ 02 nội dung này có phải là một hay không? Thiết nghĩ, khi bên nhận chuyển quyền thì hẳn nhiên đã trở thành chủ sở hữu mới của các quyền này. Do đó, Luật Sở hữu trí tuệ cần quy định thống nhất về vấn đề đăng ký hoặc điều kiện có hiệu lực đối với các hợp đồng đối với các loại quyền được xác lập trên cơ sở đăng ký.
- Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng, đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp thì hợp đồng có hiệu lực theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, đẻ có giá trị pháp lý với bên thứ ba, nói cách khác, là hiệu lực đối kháng với bên thứ ba thì phải đăng ký hợp đồng đối với các loại quyền được xác lập trên cơ sở đăng ký (trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu). Vậy quyền đối với hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp này là gì? Luật Sở hữu trí tuệ cần quy định trên cơ sở tương thích như đối với các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Quy định về chuyển quyển sử dụng được Luật Sở hữu trí tuệ đề cập cụ thể đối với các loại quyền là quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đối với quyền sử dụng giống cây trồng thì lại không quy định và chỉ nêu gián tiếp về vấn đề này qua quy định tại Điều 195 của Luật về căn cứ và điều kiện bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là thiếu nhất quán. Do đó, cần hoàn thiện theo hướng quy định rõ về việc chuyển quyền sử dụng giống cây trồng để thống nhất trong nội dung Luật Sở hữu trí tuệ.
- Quy định về hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng chuyển quyền sử dụng: Đối với quyền tác giả và quyền liên quan, Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự. Đối với quyền sở hữu công nghiệp, Luật không quy định nội dung này trong nội dung cơ bản của hợp đồng. Đối với quyền sử dụng giống cây trồng thì không đề cập đến nội dung cơ bản của hợp đồng. Vấn đề này tạo nên sự thiếu nhất quán trong quy định về hợp đồng của Luật Sở hữu trí tuệ và cần được nghiên cứu, hoàn thiện.
- Phân loại hợp đồng: Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hai dạng là hợp đồng độc quyền và hợp đồng không độc quyền. Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Quy định tại Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ cũng là một dạng của phân loại hợp đồng theo Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần thống nhất về quy định liên quan đến chuyển quyền sử dụng trong trường hợp này./.