Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và góp vốn đối với quyền sở hữu trí tuệ
Ngày cập nhật 29/07/2023

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm2009 và năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ) quy định các quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng) được chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng. Đối với các giao dịch dân sự khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phải thực hiện theo các quy định pháp luật liene quan. Trong đó, bài viết trao đổi một số vấn đề liên quan đến các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và góp vốn đối với quyền sở hữu trí tuệ.

 

Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ quy định áp dụng pháp luật:

“1. Trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.

2. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó».

Đối với áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và góp vốn thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

1. Biện pháp bảo đảm

- Điều 17 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quy định quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ: “Chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

- Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, có 09 biện pháp bảo đảm; gồm: (1) Cầm cố tài sản, (2) Thế chấp tài sản, (3) Đặt cọc, (4) Ký cược, (5) Ký quỹ, (6) Bảo lưu quyền sở hữu, (7) Bảo lãnh, (8) Tín chấp, (9) Cầm giữ tài sản.

Xét tính chất của tài sản trong từng biện pháp bảo đảm được thể hiện cụ thể: Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015); Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp (Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015); Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015); Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê (khoản 1 Điều 329 Bộ luật Dân sự năm 2015); Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ (khoản 1 Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015); Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ (Điều 331 Bộ luật Dân sự năm 2015); Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015); Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật (Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015); Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ(Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Như vậy, về tài sản đối với các biện pháp bảo đảm khái quát: Bảo lãnh, tín chấp không sử dụng tài sản; ký cược, ký quỹ, đặt cọc thì đối tượng tài sản là tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá; cầm cố tài sản, cầm giữ tài sản thì đối tượng tài sản phải “giao” được, “nắm giữ” được nên tài sản đó không thể là quyền sở hữu trí tuệ. Còn 02 biện pháp bảo đảm có thể áp dụng đối với đối tượng tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, đó là: thế chấp tài sản và bảo lưu quyền sở hữu.

- Về tài sản là quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng biện pháp bảo đảm: Tài sản bảo đảm theo Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 phải bảo đảm các điều kiện chung như sau: Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu; tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, quy định chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Như vậy, khi xem xét tài sản quyền sở hữu công nghiệp được áp dụng biện pháp bảo đảm phải xem xét trong mối tương quan với quy định các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp vì liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm cũng như định giá tài sản. Trên tinh thần đó, quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được áp dụng biện pháp bảo đảm; các quyền đối với tên thương mại, nhãn hiệu khi chuyển nhượng phải bảo đảm các điều kiện kèm theo.

- Đăng ký biện pháp bảo đảm: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm, các trường hợp đăng ký (ban đầu) bao gồm: Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan; đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản. Luật Sở hữu trí tuệ không quy định về biện pháp bảo đảm đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba quy định biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Theo đó, biện pháp bảo đảm đối với quyền sở hữu trí thì có bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm không? Trong khi theo quy định tại Điều 148, 194 Luật Sở hữu trí tuệ, đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

2. Góp vốn

Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập”.

Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tài sản góp vốn là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.  

Theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty như sau: Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Như vậy, việc góp vốn có sự dịch chuyển quyền sở hữu từ bên góp vốn sang bên nhận vốn góp là pháp nhân.

Theo quy định tại Điều 148, 194 Luật Sở hữu trí tuệ, đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Đối với quyền giống cây trồng thì bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu là phải đăng ký hợp đồng. Đối với hợp đồng góp vốn thì có đặt ra vấn đề đăng ký không?

Từ những vấn đề đã nêu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ trong thực hiện các quyền liên quan đến biện pháp thực hiện nghĩa vụ, góp vốn đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng thuận lợi, thống nhất./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.527.318
Lượt truy cập hiện tại 6.203