1. Quy định pháp luật về xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính
Xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính được quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính chính - sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây gọi là Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính.
Về các trường hợp xác minh
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc tiến hành xác minh tình tiết của vụ vi phạm để làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Về nội dung xác minh
Các tình tiết xác minh bao gồm: (i) Có hay không có vi phạm hành chính; (ii) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; (iii) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; (iv) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; (v) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (vi) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
Về hình thức xác minh
Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được lập thành biên bản xác minh (Mẫu số MBB05 - Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
2. Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng
Thực tiễn áp dụng các quy định về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần phải được hướng dẫn áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất và đảm bảo tính pháp lý của Biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:
Trong quá trình thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của mình, không phải tất cả các vụ việc vi phạm hành chính các chức danh có thẩm quyền xử phạt đều ra quyết định xử phạt trên cơ sở các thông tin thể hiện tại: biên bản vi phạm hành chính, biên bản làm việc,… và giấy tờ, tài liệu khác có trong hồ sơ; có những vụ vi phạm để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính được khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật cần phải tiến hành xác minh các tình tiết có liên quan như: Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; Có hay không có vi phạm hành chính,… Tuy nhiên, việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm còn có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền tiến hành:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt phải có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Người có thẩm quyền xử phạt giao cho người có thẩm quyền lập biên bản hành chính ban đầu tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt không phải tự mình xác minh mà giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Vì khối lượng công việc cần giải quyết của chức danh có thẩm quyền xử phạt thường rất lớn (Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp) và các vụ việc vi phạm hành chính thường do cơ quan chuyên môn tham mưu trình người có thẩm quyền xử phạt.
3. Ý kiến trao đổi
Theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính.
Và tại mục chú thích số (4) Mẫu số MBB05 - Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn người có thẩm quyền lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính: “Ghi họ và tên của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc hoặc họ và tên của người đại diện được người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ủy quyền.”.
Căn cứ các quy định nêu trên, để đảm bảo việc xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính đúng thẩm quyền, làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt hợp pháp, tác giả cho rằng người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính và phải ký vào biên bản xác minh tình tiết vụ việc. Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt giao cho cá nhân, tổ chức thuộc quyền quản lý của mình thực hiện xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thì phải ủy quyền theo quy định của pháp luật (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở/Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/Thủ trưởng các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền cho Trưởng phòng chuyên môn/Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ủy quyền cho công chức thuộc quyền quản lý tiến hành xác minh tình tiết vụ việc). Trường hợp này, thì người được ủy quyền ký vào biên bản xác minh với tư cách là người lập biên bản.
Văn bản về ủy quyền phải được lưu trong hồ sơ xử phạt cùng với Biên bản xác minh.
4. Đề xuất, kiến nghị
Trước mắt, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, hướng dẫn để các cơ quan, địa phương áp dụng thống nhất. Về lâu dài, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, vì các lý do sau đây:
Theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính (trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật).
Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.
Như vậy, người lập biên bản phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, đúng quy định đối với vụ việc vi phạm hành chính. Khi chuyển vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì buộc người có thẩm quyền xử phạt phải trả hồ sơ để xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính - trách nhiệm này thuộc về người lập biên bản vi phạm hành chính ban đầu và buộc người này phải có trách nhiệm xác minh và ký vào Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính với tư cách là người lập biên bản; đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định./.