1. Quyền sở hữu trí tuệ
a) Quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm2009 và năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
b) Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ (Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ): Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định.
c) Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ):
(1) Quyền tác giả và quyền liên quan: Luật Sở hữu trí tuệ quy định 02 nhóm quyền này được đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện bắt buộc để làm phát sinh các quyền này. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
(2) Quyền sở hữu công nghiệp: Các quyền được xác lập trên cơ sở văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Các quyền khác được xác lập dưa trên những căn cứ khác và không phụ thuộc vào việc đăng ký: nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng; tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó; chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
(3) Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Quyền tác giả
- Điều 18, 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó, quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: a) Đặt tên cho tác phẩm; b) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; c) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; d) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: a) Làm tác phẩm phái sinh; b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) Sao chép tác phẩm; d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
- Các quyền tài sản đối với tác phẩm do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định.Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tải sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
- Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau: Quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn. Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản có thời hạn bảo hộ như sau: a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b này; b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết; c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
3. Quyền liên quan quyền tác giả (quyền liên quan)
- Quyền liên quan được phân định đối với 03 nhóm chủ thể:
(1) Quyền của người biểu diễn: Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây: a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình; b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình; c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng; d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền tài sản phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.
(2) Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình: Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây: a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; b) Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
(3) Quyền của tổ chức phát sóng: Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây: a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình; b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình; c) Định hình chương trình phát sóng của mình; d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
- Thời hạn bảo hộ quyền liên quan: Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.
4. Quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại Điều 122, 123 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ phân định rõ quyền của chủ sở hữu và quyền của tác giả.
- Quyền của chủ sở hữu:
+ Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây: a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định; b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định; c) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định.
+ Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền sau đây: a) Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định; b) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định.
- Tác giả và quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp; trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả. Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí gồm các quyền sau đây: a) Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; b) Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là quyền nhận thù lao, cụ thể: Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
5. Quyền sở hữu đối với giống cây trồng
Theo Điều 185, Điều 186, 191 Luật Sở hữu trí tuệ thì giống cây trồng gồm có quyền tác giả giống cây trồng và quyền của chủ bằng bảo hộ.
- Tác giả giống cây trồng có các quyền sau đây: a) Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong Bằng bảo hộ giống cây trồng, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và trong các tài liệu công bố về giống cây trồng; b) Nhận thù lao do chủ bằng bảo hộ trả theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì mức trả thù lao phải tuân theo quy định của pháp luật.
- Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: a) Sản xuất hoặc nhân giống; b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống; c) Chào hàng; d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; đ) Xuất khẩu; e) Nhập khẩu; g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi nêu trên.
Ngoài ra, chủ bằng bảo hộ có các quyền: (i) quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng được áp dụng đối với vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện; (ii) ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng: Khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ; sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ;sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù theo quy định; (iii) Để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
Quyền của chủ bằng bảo hộ được mở rộng đối với các giống cây trồng sau đây: 1. Giống cây trồng có nguồn gốc chủ yếu từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc chủ yếu từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác. Giống cây trồng được coi là có nguồn gốc chủ yếu từ giống được bảo hộ, nếu giống cây trồng đó vẫn giữ lại biểu hiện của các tính trạng thu được từ kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen của giống được bảo hộ, trừ những tính trạng khác biệt là kết quả của sự tác động vào giống được bảo hộ; 2. Giống cây trồng không khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ; 3. Giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ.
6. Vấn đề trao đổi về đối tượng tài sản là quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ có thể hình dung 02 nhóm “tài sản”, thứ nhất là “tài sản trí tuệ” (khái niệm quyền sở hữu trí tuệ tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ nêu “tài sản trí tuệ”), thứ hai là “quyền sở hữu trí tuệ”. Tài sản trí tuệ là sản phẩm được tạo ra (tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại,...). Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản (quyền nhân thân dành cho tác giả), các quyền này phát sinh từ tài sản trí tuệ.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 105, 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong đó, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Như vậy, Bộ luật Dân sự chỉ ghi nhận tài sản trong sở hữu trí tuệ là “quyền tài sản”, không bao gồm quyền nhân thân và “tài sản trí tuệ” theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Nếu nhìn nhận quyền sở hữu theo Bộ luật Dân sự thì chủ sở hữu có 03 quyền là chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Luật Sở hữu trí tuệ ghi nhận các quyền sở hữu trí tuệ đối với tác giả (người tạo ra sản phẩm) và quyền sở hữu của chủ sở hữu. Các quyền này được nêu cụ thể dưới góc độ tiếp cận đối với quyền nhân thân, quyền tài sản mà không khái quát được 03 quyền cơ bản của quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Từ sự tiếp cận liên quan đến “tài sản” đối với quyền sở hữu trí tuệ của Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự thiếu thống nhất dẫn đến việc nhận diện quyền sở hữu trí tuệ với góc độ là “tài sản” trở nên khó xác định, nhầm lẫn giữa sản phẩm sở hữu trí tuệ (tài sản trí tuệ) với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ. Việc thực hiện các quyền đối với quyền sở hữu trí tuệ chưa được cụ thể hóa tại Luật Sở hữu trí tuệ ngoài quyền chuyển nhượng cũng là khó khăn cho người áp dụng pháp luật. Từ những phân tích nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định liên quan đến tài sản, quyền tài sản trong Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp với Bộ luật Dân sự./.