1. Có được hủy văn bản từ chối nhận di sản không?
Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 về từ chối nhận di sản quy định: Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 về công chứng văn bản từ chối nhận di sản quy định: Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.
Như vậy, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, thời điểm từ chối phải trước thời điểm phân chia đi sản. Vậy người thừa kế có thể hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản không? Bộ luật Dân sự không quy định về vấn đề này, thực tiễn có 02 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Không được hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản vì khi đã lập văn bản từ chối thì phần thừa kế của người đó đã dịch chuyển sang cho những người thừa kế khác.
Quan diểm thứ hai: được hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản nhưng phải thực hiện trước thời điểmphân chia di sản thừa kế, vì: Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời điểm từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản nhằm tránh sự xáo trộn trong quá trình phân chia di sản, bảo đảm kết quả phân chia di sản. Do đó, nếu người thừa kế đã từ chối nhận di sản thừa kế, sau đó muốn hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản thừa kế thì văn bản hủy bỏ này phải thể hiện trước thời điểm phân chia di sản thừa kế; nếu sau thời điểm phân chia di sản thừa kế thì không xem xét việc hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản thừa kế.
Ngoài ra, không thể xác định sau khi có văn bản từ chối nhận di sản thì phần thừa kế của người đó đã dịch chuyển sang cho những người thừa kế khác vì muốn dịch chuyển tài sản thừa kế thì phải thực hiện các thủ tục có liên quan.
Một vấn đề cần lưu ý để bảo đảm tính chặt chẽ trong trường hợp từ chối nhận di sẩn theo di chúc thì có được xem là từ chối nhận di sản theo pháp luật không, cần xác định rõ vấn đề này trong văn bản từ chối nhận di sản.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (không công chứng, chứng thực) thì có công chứng văn bản khai nhận di sản/văn bản thỏa thuận phân chia di sản không?
Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dụng di chúc (tại Điều 631) và người làm chứng cho việc lập di chúc (Điều 632).
Như vậy, di chúc bằng văn bản có người làm chứng là hình thức di chúc hợp pháp. Tuy nhiên, trường hợp có yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Không tiếp nhận yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản/văn bản thỏa thuận phân chia di sản, vì: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng những người làm chứng chỉ xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc; còn việc người lập di chúc có minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hay không thì không xác định được và công chứng viên khó xác thực vấn đề này.
Quan điểmthứ hai: Có thể xem xét công chứng văn bản khai nhận di sản/văn bản thỏa thuận phân chia di sản, vì: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng là di chúc hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (tất nhiên phải bảo đảm các điều kiện có hiệu lực của di chúc). Để xác thực vấn đề người lập di chúc có minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hay không thì có thể xác thực thông qua thủ tục họp mặt những người thừa kế theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (không công chứng, chứng thực) và Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ
Theo Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc bằng văn bản có người làm chứng được áp dụng trong trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc.
Khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Một số vấn đề cần làm rõ đối với hai trường hợp nêu trên:
- Cần xác định rằng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì người lập di chúc có thể không tự mình viết, đánh máy nhưng người lập di chúc vẫn là người biết chữ, nghĩa là vẫn đọc hiểu được bản di chúc. Vấn đề là làm thế nào để làm rõ trường hợp người lập di chúc không tự mình viết, đánh máy bản di chúc nhưng vẫn là người biết chữ?
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải do người làm chứng lập. Đây có phải là yêu cầu bắt buộc không khi áp dụng thủ tục công chứng di chúc, vì theo Điều 41 của Luật Công chứng năm 2014 thì người yêu cầu công chứng vẫn có thể đề nghị công chứng viên soạn thảo?
4. Di chúc miệng và vấn đề thực tiễn
Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc miệng: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng (khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).
Như vậy, xét ở khía cạnh hình thức, di chúc miệng cũng được thể hiện bằng hình thức văn bản (người làm chứng ghi chép lại). Một số vấn đề pháp lý được đặt ra đối với di chúc miệng, đó là: Nếu nội dung di chúc miệng không đầy đủ theo Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015 thì như thế nào? Trong lúc đang bị cái chết đe dọa, liệu người lập di chúc miệng có bảo đảm điều kiện là phải minh mẫn, sáng suốt không? Có lẽ xuất phát từ những vấn đề chưa được xác thực đó nên pháp luật chỉ cho phép chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng đối với di chúc miệng. Tuy nhiên, những vấn đề được đặt ra ở trên cũng phải xem xét khi xác định di chúc này có hợp pháp hay không? Từ những vấn đề rất khó xác thực cả về thực tiễn và pháp lý, nên nếu những người thừa kế yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản/văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo di chúc miệng thì rất khó để thực hiện./.