Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Đấu giá tài sản theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật Đấu giá tài sản
Ngày cập nhật 07/06/2023

1. Các trường hợp bán đấu giá tài sản trong xử lý vi phạm hành chính

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây viết tắt là Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định các trường hợp áp dụng biện pháp bán đấu giá tài sản, gồm:

(i) Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 86);

(ii) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt (Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính) Akhi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt (điểm b khoản 65 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020).

(iii) Tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.

Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.

(Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính).

2. Điều kiện áp dụng biện pháp kê biên tài sản để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định các điều kiện liên quan đến việc kê biên tài sản áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

-  Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá là: (1) Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản. (2) Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản. Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế (Điều 18 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).

 - Những tài sản sau đây không được kê biên: (1) Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú. (2) Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.(3) Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng. (4) Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen. (5) Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh. (6) Tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp (Điều 19 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).

- Xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên để bán đấu giá: Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại nhà của cá nhân hoặc trụ sở của tổ chức bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên, trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá tài sản. Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thỏa thuận về giá không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên. Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản. Hội đồng định giá tài sản gồm có người đã ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá tài sản phải tiến hành việc định giá. Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà Nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do Nhà nước quy định. Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và của chủ tài sản (Điều 25, 26 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).

3. Bán đấu giá tài sản kê biên

- Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá (Điều 26 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP): Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản bị kê biên để bán đấu giá; trường hợp không ký được hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản. Việc bán đấu giá tài sản bị kê biên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Sau khi đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản, người chủ trì thực hiện kê biên tiến hành chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá. Việc chuyển giao phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ: Thời gian bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: Quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.

Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.

Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán cho người đồng sở hữu trước.

Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản bán đấu giá làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.

- Chuyển giao quyền sở hữu tài sản: Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có: a) Bản sao quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá; b) Biên bản bán đấu giá tài sản; c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có) (Điều 27 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).

 4. Một số vấn đề pháp lý trao đổi

a) Điều 26 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định việc bán đấu giá tài sản bị kê biên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Đồng thời quy định “Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán cho người đồng sở hữu trước”.

Khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “Người trúng đấu giá là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phương thức trả giá lên; cá nhân, tổ chức chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống”.

Theo quy định tại Điều 58 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì việc đấu giá tài sản chỉ được thực hiện theo phương thức trả giá lên.

Các hình thức đấu giá quy định liên quan đến trường hợp người trúng đấu giá khi áp dụng phương thức trả giá lên như sau: (i) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá: Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn (điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Đấu giá tài sản năm 2016). (ii) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá: Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả mức giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu có người trả giá cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp hoặc không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá (điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Đấu giá tài sản năm 2016). (iii) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp: Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì ngay tại buổi công bố giá, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá. Đấu giá viên quyết định hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp. Nếu có người trả giá cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp hoặc không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá (khoản 4 Điều 43 Luật Đấu giá tài sản năm 2016).

Như vậy, theo Luật Đấu giá tài sản, nếu có từ 02 người trở lên cùng trả mức giá cao nhất thì phương thức cuối cùng để xác định người trúng đấu giá là bốc thăm. Việc quy định đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán cho người đồng sở hữu trước tại Điều 26 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP sẽ thực hiện như thế nào để tương đồng với quy định của Luật Đấu giá tài sản?

Khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua...”.

Để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, cơ quan có thẩm quyền sửa đỏi quy định tại Điều 26 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP nêu trên theo hướng: Đối với tài sản thuộc sở hữu chung thì hủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu không có chủ sở hữu chung nào mua thì thực hiện bán đấu giá tài sản theo quy định.

b) Hồ sơ chuyển giao quyền sở hữu theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, gồm 03 loại: a) Bản sao quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá; b) Biên bản bán đấu giá tài sản; c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có).

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 46 Luật Đấu giá tài sản thì người trúng đấu giá được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá, trừ trường hợp người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá. Kể từ thời điểm này, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kết quả đấu giá tài sản là căn cứ để các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc cơ sở để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, trong hồ sơ chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản kê biên không đề cập đến một trong 2 văn bản được nêu tại Luật Đấu giá tài sản là Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc phê duyệt kết quả đấu giá tài sản.

c) Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trường hợp bán đấu giá thứ ba (iii) được nêu tại mục 1 trên đây. Tuy nhiên, Luật không đề cập đến nội dung liên quan để bán đấu giá đối với tài sản này.

Từ những vấn đề nêu trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện, thống nhất quy định liên quan đến đấu giá tài sản giữa pháp luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Đấu giá tài sản./.

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.541.069
Lượt truy cập hiện tại 14.355