1. Thẩm quyền công chứng theo Luật Công chứng năm 2014
Xem xét về thẩm quyền công chứng, có thể nói, Luật Công chứng năm 2014 đã quy định các trường hợp phải xem xét thẩm quyền như sau:
- Mối quan hệ liên quan đến công chứng viên: Công chứng viên không được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi (điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014).
- Thẩm quyền theo địa hạt (nơi có bất động sản): Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản (Điều 42 Luật Công chứng năm 2014).
Việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản (khoản 1 Điều 54 Luật Công chứng năm 2014)..
- Thẩm quyền trong trường hợp sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch (theo nguyên tắc quay trở lại nơi lưu trữ hồ sơ): Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. (Khoản 2 Điều 51 Luật Công chứng năm 2014).
-Thẩm quyền trong trưòng hợp công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tiếp theo (theo nguyên tắc quay trở lại nơi lưu trữ hồ sơ): Trường hợp một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng hợp đồng thế chấp tiếp theo đó. (khoản 2 Điều 54 Luật Công chứng năm 2014).
- Thẩm quyền trong trưòng hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng (theo nguyên tắc nơi cư trú): Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. (khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng năm 2014).
- Thẩm quyền của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (loại việc được công chứng): Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam. (khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng năm 2014).
2. Một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền công chứng
- Công chứng viên có được công chứng ở nước ngoài? Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng quy định: Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Từ quy định trên, có cách hiểu: công chứng viên có thể ra nước ngoài để thực hiện công chứng theo đề nghị của người yêu cầu công chứng khi thuộc các trường hợp trên. Tuy nhiên, quan điểm chung là phạm vi áp dụng của pháp luật Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam.
- Về “nơi cư trú”: khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng năm 2014 quy định trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. 2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này”.
Khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 quy định: Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).
Như vậy, nơi cư trú được xác định theo đơn vị hành chính cấp xã. Trong khi đó, trụ sở tổ chức hành nghề công chứng xác định theo địa bàn cấp tỉnh. Mặt khác, tại các Điều 42, 52 của Luật Công chứng năm 2014 về thẩm quyền theo địa hạt đều xác định là tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, điều chỉnh thống nhất về vấn đề này.
- Khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng di chúc: 3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Quy định về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc đã được công chứng như trên không thống nhất với quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 51 Luật Công chứng năm 2014, đó là phải thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng.
Từ các phân tích nêu trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện các quy định nêu trên để đồng bộ trong Luật Công chứng và pháp luật có liên quan, qua đó áp dụng pháp luật thống nhất./.