1. Văn bản về tài sản riêng của vợ chồng
Trong thực tiễn, văn bản về tài sản riêng thể hiện qua các tên gọi: Văn bản cam kết tài sản riêng vợ chồng (cả vợ và chồng cùng ký tên); Văn bản cam đoan tài sản riêng (của vợ/chồng ký tên thể hiện tài sản là của bên kia); Văn bản thỏa thuận tài sản riêng của vợ chồng (vợ và chồng cùng ký).
Việc lập văn bản về tài sản riêng được chia thành 02 trường hợp như sau:
(i) Trước khi nhận chuyển nhượng tài sản: nội dung là nguồn tiền nhận chuyển nhượng tài sản là tài sản riêng và tài sản sắp nhận chuyển nhượng là tài sản riêng (theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng”).
(ii) Sau khi nhận chuyển nhượng: nội dung thể hiện tài sản là của người đứng tên trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng; khẳng định tài sản không có liên quan gì đến người còn lại; khẳng định người sở hữu, hoặc sẽ sở hữu bất động sản có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt với bất động sản đó.
Ngoài nội dung trên, văn bản về tài sản riêng của vợ chồng còn thể hiện: người không phải là chủ sở hữu/sử dụng không có bất kỳ sự đóng góp nào vào sự hình thành tài sản riêng; vợ chồng không có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Công chứng hay chứng thực văn bản về tài sản riêng của vợ chồng
a) Xem xét các văn bản hướng dẫn, bản án liên quan
- Tại nội dung trả lời “Từ chối chứng thực chữ ký đối với cam kết là đúng hay sai?” đăng trên Báo Chính phủ điện tử (https://baochinhphu.vn/tu-choi-chung-thuc-chu-ky-doi-voi-cam-ket-la-dung-hay-sai-102288253.htm): “...giấy tờ mà vợ ông yêu cầu được chứng thực chữ ký có nội dung cam kết số tiền mà ông nhận chuyển nhượng bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là của riêng ông, vợ ông không có bất cứ sự tạo lập, liên quan, đóng góp nào đối với việc nhận chuyển nhượng này.
Như vậy, nội dung giấy tờ, văn bản không phải là hợp đồng, giao dịch, không thuộc trường hợp không được chứng thực chữ ký quy định tại Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo quy định về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì vợ ông có thể yêu cầu bất cứ cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực nào giải quyết yêu cầu chứng thực chữ ký của mình”.
- Bản án số 1054/2018/DS-PT ngày 16/11/2018 của Tòa án cấp phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu có nhận định: “Văn bản thỏa thuận tài sản riêng vợ chồng số công chứng 009376 ngày 19/6/2013, công chứng viên đã chứng nhận nội dung: Toàn bộ nhà và đất tọa lạc tại số 681/52 đường T, Phường M, quận V là tài sản riêng của bà Lâm Thanh K, do bà Lâm Thanh K mua bằng tiền riêng, ông Q không có bất kỳ đóng góp nào vào tài sản trên... là không phản ánh đúng sự thật khách quan của sự việc. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng thì: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của Hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản...” nhưng Văn bản thỏa thuận tài sản riêng vợ chồng đã chứng nhận nội dung không đúng bản chất sự việc là không đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy, cùng nội dung cam đoan về số tiền dùng để nhận chuyển quyền sử dụng đất là tài sản riêng được xác định theo 02 hướng: Hướng thứ nhất, đó không phải là hợp đồng, giao dịch và được chứng thực chữ ký; hướng thứ hai là hợp đồng, giao dịch và được công chứng, đồng thời công chứng viên phải chịu trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
b) Quan điểm áp dụng trên thực tế
Việc công chứng hay chứng thực văn bản về tài sản riêng của vợ chồng vẫn còn những quan điểm và thực tiễn áp dụng không thống nhất trong cả nước. Công chứng hay chứng thực chữ ký dựa trên việc xác định nội dung có phải là “hợp đồng, giao dịch” theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
- Đối với trường hợp tài sản đã thể hiện rõ nguồn gốc là tài sản riêng theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng) thì chứng thực chữ ký vì nó không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Đối với trường hợp không thể hiện rõ nguồn gốc là tài sản riêng (cam đoan về số tiền mua là tài sản riêng): có trường hợp công chứng, có trường hợp chứng thực.
Việc công chứng hay chứng thực văn bản về tài sản riêng của vợ chồng dựa trên những căn cứ như sau:
- Trường hợp chứng thực: Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rõ ràng về tài sản riêng của vợ chồng, gồm: gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Do đó, xét về bản chất, một tài sản đã tài sản riêng thì nó đã là tài sản riêng, không thể bằng văn bản về tài sản riêng mà xác lập được tài sản riêng. Trên cơ sở đó, văn bản về tài sản riêng không thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, nghĩa là không phải hợp đồng, giao dịch nên không thực hiện công chứng.
Việc một người khẳng định một tài sản không phải là của mình không đồng nghĩa với việc tài sản đó không phải là của người đó mà cần phải có căn cứ chứng minh.
- Trường hợp công chứng:
+ Khoản 2 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”: văn bản về tài sản riêng của vợ chồng khẳng định nội dung liên quan đến đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
+ Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”: văn bản về tài sản riêng của vợ chồng khẳng định nội dung liên quan đến việc bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
+ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng gồm “... tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”: văn bản về tài sản riêng của vợ chồng khẳng định nội dung liên quan đến việc có thỏa thuận là tài sản chung không?
+ Khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”: văn bản về tài sản riêng của vợ chồng khẳng định nội dung liên quan đến hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng có là nguồn sống duy nhất của gia đình không?
+ Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” thì đó có thể là quyền, nghĩa vụ dân sự của người thứ ba (không nhất thiết là quyền và nghĩa vụ dân sự của vợ, chồng).
Từ những căn cứ như trên, văn bản về tài sản riêng của vợ chồng vẫn làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự và phải thực hiện công chứng.
Dù công chứng, hay chứng thực, cần xác định rõ giá trị của văn bản về tài sản riêng của vợ chồng như sau: Không thể khẳng định được bất động sản là tài sản riêng được hình thành thông qua việc mua bằng tiền riêng mà không có căn cứ nào chứng minh; việc vợ hoặc chồng khẳng định tài sản đó không phải là của mình thì không mặc nhiên nó là tài sản riêng của người kia./.