1. Nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân ; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng (Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng).
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện như sau: trường hợp tài sản riêng không thuộc tài sản được chia từ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản chung; trường hợp tài sản riêng là tài sản được chia từ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì hoa lợi, lợi tức do vợ chồng thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì đó là tài sản riêng của vợ, chồng.
Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ, chồng có quyền thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Một số vấn đề pháp lý trao đổi và kiến nghị hoàn thiện
Trong quá trình áp dụng quy định pháp luật về nhập tài sản riêng vào tài sản tài sản chung của vợ chồng, còn một số vấn đề pháp lý được đặt ra và chưa thống nhất trong áp dụng, cụ thể;
- Nếu vợ chồng chưa có tài sản chung thì có được thực hiện “nhập tài sản riêng vào tài sản tài sản chung” không? Quan điểm thứ nhất cho rằng, vào thời điểm chưa có “tài sản chung” thì không thể “nhập vào”. Do đó, muốn nhập tài sản riêng thì trước hết vợ chồng phải có khối tài sản chung. Theo quan điểm thứ hai, xét về bản chất, nhập tài sản riêng vào tài sản chung là “biến cái riêng thành cái chung”, là sự tặng cho một nữa quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với tài sản của vợ/chồng cho chồng/vợ. Do đó, vẫn có thể thực hiện nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Khoản 2 Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định “tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải đảm bảo hình thức đó”. Pháp luật chưa quy định “hình thức” là gì? “Hình thức” có thể hiểu đó là cách thức thể hiện nội dung thỏa thuận, đó là bằng miệng (lời nói) hoặc bằng văn bản; văn bản có công chứng hoặc chứng thực; hay hình thức là phải đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng theo quy định?
- Đối với trường hợp nhập tài sản riêng là quyền sử dụng đất vào tài sản chung thì có cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) đứng tên cả vợ và chồng không? Quan điểm thứ nhất cho rằng, Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Điều 12 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng. Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung. Theo các quy định này, nếu nhập tài sản riêng là quyền sử dụng đất vào tài sản chung của vợ chồng thì vợ chồng có quyền đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận đứng tên của vợ và chồng hoặc không đề nghị cấp giấy chứng nhận. Trường hợp không cấp đổi giấy chứng nhận thì khi xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung vẫn thực hiện theo quy định về đại diện giữa vợ và chồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu không thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận thì nguy cơ tranh chấp cao nếu bên đứng tên cố tình “qua mặt” khi thực hiện giao dịch vì Giấy chứng nhận vẫn đang thể hiện nguồn gốc tài sản là tài sản riêng. Mặt khác, khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 quy định dăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Do đó, nếu nhập tài sản riêng là quyền sử dụng đất vào tài sản chung thì phải thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận đứng tên cả vợ và chồng.
Từ sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật như trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện, quy định, giải thích cụ thể các vấn đề nêu trên để thực hiện pháp luật./.