Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Văn bản công chứng theo pháp luật nước ngoài
Ngày cập nhật 13/04/2023

Trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn pháp luật để áp dụng theo quy định. Trường hợp áp dụng theo pháp luật nước ngoài thì các hợp đồng, giao dịch phải bảo đảm những điều kiện mới được thực hiện tại Việt Nam.

 

1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

- Khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo các quy định trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.

Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây: Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng thì pháp luật Việt Nam được áp dụng (Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ngoài quy định chung mang tính nguyên tắc trong áp dụng pháp luật như trên, từ Điều 672 đến Điều 687 quy định các trường hợp pháp luật cụ thể áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân.

- Điều 478 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp, xác nhận trong các trường hợp sau: a) Giấy tờ, tài liệu và bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hóa lãnh sự; b) Giấy tờ, tài liệu đó được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập trong các trường hợp sau đây: a) Giấy tờ, tài liệu lập bằng tiếng nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt có công chứng, chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; b) Giấy tờ, tài liệu được lập ở nước ngoài được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nước ngoài và đã được hợp pháp hóa lãnh sự; c) Giấy tờ, tài liệu do công dân Việt Nam ở nước ngoài lập bằng tiếng Việt có chữ ký của người lập giấy tờ, tài liệu đó và đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Văn bản được công chứng theo quy định của pháp luật nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự

- Khoản 8 Điều 8 Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về thực hiện nhiệm vụ lãnh sự: “Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài và chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật”.

- Theo quy định tại Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự chỉ là chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu, không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu (Điều 3). Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự (khoản 2 Điều 4), trừ các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự sau đây:

+ Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

+ Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

+ Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

Các giấy tờ, tài liệu sau đây không được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (Điều 10):

+ Giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa nhưng không được đính chính theo quy định pháp luật.

+ Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự có các chi tiết mâu thuẫn nhau.

Giấy tờ, tài liệu nêu trên có các chi tiết trong bản thân giấy tờ, tài liệu đó mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với giấy tờ, tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 01/2012/TT-BNG ngày 20 tháng 3 năm 2012 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP).

+ Giấy tờ, tài liệu giả mạo hoặc được cấp, chứng nhận sai thẩm quyền theo quy định pháp luật.

+ Giấy tờ, tài liệu có chữ ký, con dấu không phải là chữ ký gốc, con dấu gốc.

Giấy tờ, tài liệu nêu trên đồng thời có con dấu và chữ ký không được đóng trực tiếp và ký trực tiếp trên giấy tờ, tài liệu. Con dấu, chữ ký sao chụp dưới mọi hình thức đều không được coi là con dấu gốc, chữ ký gốc (Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/2012/TT-BNG).

+ Giấy tờ, tài liệu có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam.

Giấy tờ, tài liệu trên có nội dung vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam hoặc các trường hợp khác có thể gây bất lợi cho Nhà nước Việt Nam (Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 01/2012/TT-BNG).

3. Điều kiện Văn bản được công chứng theo quy định của pháp luật nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam

Theo các quy định nêu trên, văn bản do tổ chức nước ngoài chứng nhận thì phải bảo đảm các điều kiện sau mới được công nhận: Về nội dung, phải xem xét hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.  Về hình thức, văn bản phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

Việc hợp pháp hóa lãnh sự chỉ chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu, không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu. Do đó, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận văn bản đã được hợp pháp hóa lãnh sự thì phải xem xét, đánh giá về nội dung văn bản có phù hợp với pháp luật Việt Nam không, hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam không./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.708.248
Lượt truy cập hiện tại 17.786