Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về người đại diện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 31/03/2023

1. Các quy định về đại diện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Người đại diện được đề cập tại Luật Xử lý vi phạm hành chính khá nhiều: Người đại diện hợp pháp, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền cấp xã, đại diện cơ quan, người đại diện theo pháp luật của tổ chức,...

- Liên quan đến vấn đề đại diện, khoản 17 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người đại diện hợp pháp bao gồm cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý”.

Điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính về giải trình nêu “Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản”.

- Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính về nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính có “đ) Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ và họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm”.

Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản nêu: “Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị giải thể, phá sản để thi hành”.

- Khoản 3, 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về Biên bản vi phạm hành chính có nêu: “d) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại”. Biên bản phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký..., Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính về thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính “Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hóa, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản”.

Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản”; “Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến”; “Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm; trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến. Biên bản phải được lập thành 02 bản, giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản”.

- Khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP về lập biên bản vi phạm hành chính đề cập nội dung chính của biên bản có “Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền)”.

Khoản 2 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP về thủ tục nộp tiền phạt: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền”.

Như vậy, theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính, liên quan đến chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính có các phạm trù về đại diện: Người đại diện hợp pháp, người đại diện, người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Trong đó, Luật chỉ quy định thế nào là người đại diện hợp pháp (Người đại diện hợp pháp bao gồm cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý).

2. Đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự

Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).

Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đại diện theo pháp luật của cá nhân là: 1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; 2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; 3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện theo quy định nêu trên; 4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân trong thời hạn và phạm vi đại diện.

Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền.

3. Vấn đề trao đổi về đại diện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Từ các phân tích trên, quy định về đại diện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn chưa thống nhất, thiếu sự rõ ràng giữa các điều luật của pháp luật xử lý vi phạm chính và không thống nhất, tương tích với Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trên tinh thần các điều luật đã viện dẫn liên quan đến đại diện tại khoản 1 nêu trên, có thể hiểu rằng: đại diện hợp pháp chính là đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền.

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan (nếu quy định cho phép thông qua người đại diện). Nghĩa là, thông qua những người: đối với cá nhân là cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý; đối với tổ chức là luật sư.

Trường hợp tổ chức tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ thì pháp luật không quy định người đại diện cho tổ chức có phải là người đại diện theo pháp luật hay không. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, chỉ có người đại diện theo pháp luật mới có quyền nhân danh pháp nhân trong thực hiện các việc có liên quan đến pháp nhân.

- Trường hợp đứng tên trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tổ chức) thì đó phải là người đại diện theo pháp luật và quyết định phải được gửi đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

- Trường hợp đứng tên trong biên bản vi phạm hành chính và ký tên biên bản vi phạm hành chính của tổ chức thì đó phải là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (theo quy định của Bộ luật Dân sự).

- Các trường hợp khác liên quan đến tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ nêu là “đại diện tổ chức vi phạm” nhưng trên tinh thần chung của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cũng như tính chất của việc đại diện cho tổ chức thì đó phải là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền.

Từ sự bất cập và thiếu thống nhất trong quy định liên quan đến đại diện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, hướng dẫn việc áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ, đúng pháp luật./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.075
Lượt truy cập hiện tại 18.436