Khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) như sau: Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Ngoài ra, khoản 5 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây viết tắt là Luật quốc tịch Việt Nam), quy định: Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam. Tại Việt Nam, người nước ngoài được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật. Bài viết giới thiệu một số quyền liên quan đến hôn nhân và gia đình, thừa kế, chứng thực chữ ký và uỷ quyền trong tố tụng dân sự là căn cứ để thực hiện công chứng, chứng thực các văn bản liên quan đến người nước ngoài.
1. Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam
Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân quy định:
“1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
2. Quy định tại Khoản 1 Điều này cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu”.
Như vậy, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú tại Việt Nam.
2. Chứng thực chữ ký
Điều 12 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch về chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài quy định: Khi chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu người tiếp nhận hồ sơ, người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì đề nghị người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản. Bản dịch ra tiếng Việt không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, nhưng người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.
Như vậy, người nước ngoài được chứng thực chữ ký
3. Thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy định: “Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cá nhân là người nước ngoài thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ tại Việt Nam”.
Như vậy, người nước ngoài được thực hiện thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam. Do đó, được lập văn bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
4. Thỏa thuận xác lập tài sản vợ chồng trước khi kết hôn
Khoản 1 Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định: Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 130 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: Trong trường hợp có yêu cầu giải quyết việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan của Việt Nam để giải quyết.
Như vậy, người nước ngoài được xác lập thỏa thuận tài sản vợ chồng trước khi kết hôn và hai bê phải bảo đảm điều kiện kết hôn.
5. Thừa kế
Tại Phần thứ năm của Bộ luật Dân sự năm 2015 về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế: Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Điều 681 quy định về di chúc: Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây: Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Theo đó, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được quyền lập di chúc và được hưởng thừa kế theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện để hưởng di sản thừa kế là bất động sản thì hưởng giá trị tài sản.
6. Công bố di chúc
Điều 647 Bộ luật Dân sự năm 2015 về công bố di chúc không hạn chế người nước ngoài công bố di chúc.
7. Ủy quyền trong tố tụng dân sự
Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
Người được ủy quyền để đại diện phải không thuộc trường hợp không được làm người đại diện quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (không có quy định hạn chế đối với người nước ngoài).
Như vậy, người nước ngoài được phép ủy quyền, được nhận ủy quyền giải quyết tranh chấp tại Tòa án./.