Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
KẾT QUẢ 15 NĂM TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 13/03/2023

Ngày 29/6/2006, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Luật sư, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012. Luật Luật sư đã tạo bước tiến rõ rệt trong quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế, nâng cao vị thế của luật sư trong xã hội, hoạt động luật sư đạt được những kết quả tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Luật sư, các cấp, các ngành đánh giá đúng vị trí, vai trò của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, quan tâm hỗ trợ và phối hợp có hiệu quả với Đoàn Luật sư tỉnh, tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

Với mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư bảo đảm về số lượng, chất lượng, vững vàng về bản chất chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên cơ sở thực hiện có hiệu quả nguyên tắc quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, đề cao trách nhiệm của luật sư cũng như đảm bảo cơ chế để các luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ hoạt động hành nghề.

Nhận thức được tầm quan trọng của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ quan, tổ chức có liên quan đã triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những bộ phận, cán bộ trực tiếp làm việc với các luật sư: Thẩm phán, Thư ký tòa án, Kiểm sát viên, Điều tra viên...

Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư về cơ bản từng bước mang lại hiệu quả, số vụ việc tham gia bào chữa ngày càng tăng, chất lượng chuyên môn bào chữa của các luật sư ngày càng cao so với những năm trước, nhiều vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức và người dân đồng tình. Đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định rõ vai trò của mình trong xã hội, vị thế của luật sư ngày càng được nâng cao.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân các nội dung liên quan đến Luật Luật sư, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị; biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu bằng tờ gấp, sách bỏ túi; phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến rộng rãi trong nhân dân về vị trí, vai trò của luật sư trong đời sống pháp luật của người dân.

Thực hiện Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 09/7/2013 triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 01/4/2019 triển khai thực hiện Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình triển khai thi hành Luật Luật sư, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, kịp thời tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan đến tổ chức, hoạt động về luật sư đúng thẩm quyền, phù hợp, thống nhất, đồng bộ với văn bản pháp luật đã ban hành trước đó, cơ bản phù hợp với nhu cầu của tổ chức và hoạt động luật sư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua 15 năm số lượng, chất lượng hoạt động hành nghề của các luật sư từng bước được nâng cao. Về số lượng: đội ngũ luật sư đã tăng đáng kể, năm 2007 cả tỉnh chỉ có 19 luật sư, đến 31/12/2022 đã có 79 luật sư, trong đó có 09 luật sư là thạc sĩ luật và 01 luật sư đang làm nghiên cứu sinh, 21 luật sư trước đây làm trong các ngành Tòa án và Viện kiểm sát (chiếm tỷ lệ 34%). Độ tuổi bình quân của luật sư trong Đoàn là 48 tuổi. Đây là độ tuổi hợp lý trong quá trình xây dựng và phát triển Đoàn, có sự kế thừa và chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề luật sư giữa các thế hệ.

Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Học viện tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan mở 01 lớp đào tạo luật sư, có 86 học viên từ Quảng Bình đến Đăk Lăk tham gia học tập, kết thúc khóa học 100% học viên được cấp Giấy chứng nhận đào tạo nghề luật sư. Qua đó, số lượng luật sư trên địa bàn tỉnh được gia tăng đáng kể.

Nhìn chung, đa số luật sư là những người có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề. Trong quá trình hoạt động, các luật sư đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Số lượng tổ chức hành nghề luật sư phát triển nhanh, năm 2007 có 10 tổ chức, đến nay có 27 tổ chức, 08 Chi nhánh và 05 Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư.[1] Có 26/27 tổ chức hành nghề luật sư có trụ sở tại thành phố Huế là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển trên địa bàn tỉnh, chỉ có 01 tổ chức có trụ sở tại huyện Phú Vang (các huyện, thị xã còn lại không có tổ chức hành nghề luật sư). Đa số các tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế là các văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên với quy mô nhỏ, trụ sở thường đặt tại nhà riêng của luật sư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp vẫn còn chưa đầy đủ, thu nhập của một số tổ chức hành nghề luật sư còn thấp, trong đó tổ chức có 01 đến 03 luật sư gồm 21 tổ chức, 04 đến 05 luật sư: 4 tổ chức, có 7 luật sư: 01 tổ chức, có 10 luật sư: 01 tổ chức[2]. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư phát triển khá nhanh nhưng chưa có tổ chức hành nghề luật sư nào trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Các quan hệ kinh tế, dân sự với các đối tác nước ngoài chưa phát triển, nên nhu cầu tư vấn cũng như giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực này chưa có.

Từ năm 2007 đến nay, các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh đã thực hiện được 11.698 vụ việc, trong đó số vụ tố tụng: 2.550 vụ việc; tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác: 6.485 vụ việc; trợ giúp pháp lý: 2.663 vụ việc. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các lĩnh vực: hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, hành chính, tư vấn pháp luật về kinh doanh thương mại,... Tổng doanh thu trên 28,6 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước gần 2,7 tỷ đồng.

Thực hiện các quy định của pháp luật về luật sư và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan tư pháp đã quan tâm tạo điều kiện để luật sư tham gia các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa. Việc tranh tụng của luật sư tại các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính…. những năm qua đã có nhiều thuận lợi, luật sư được tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, nắm diễn biến vụ án, làm cơ sở để luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo.

Đội ngũ luật sư đã ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hoạt động hành nghề. Vai trò của luật sư trong tư vấn, bào chữa, đại diện theo ủy quyền từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân trong tình hình hiện nay; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, giúp hội đồng xét xử đưa ra phán quyết một cách chính xác, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự công bằng, tránh oan sai trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính và dân sự.

Từ năm 2007 đến nay các luật sư đã thực hiện 2.663 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và diện chính sách kể cả việc tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật[3]. Ngoài ra, hàng năm Đoàn Luật sư phát động phong trào thực hiện việc tư vấn pháp luật miễn phí cho tất cả các đối tượng trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Luật sư tỉnh, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) và Ngày Truyền thống luật sư Việt Nam (10/10). Sở Tư pháp ký hợp đồng với 03 tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm Trợ giúp pháp lý ký hợp đồng với các luật sư trên địa bàn tỉnh để thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý.

Ngày 01/02/2013, Sở Tư pháp và Đoàn luật sư đã ký Quy chế số 91/QCPH/STP-ĐLS về phối hợp công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện Quy chế phối hợp, Đoàn luật sư đã thực hiện nghiêm túc việc thông báo cho Sở Tư pháp khi có sự thay đổi danh sách luật sư, cử đại diện Ban chủ nhiệm tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở Tư pháp đối với tổ chức hành nghề luật sư theo quy định. Sở Tư pháp đã thực hiện tham khảo, trao đổi với Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư trước khi quyết định khen thưởng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; hỗ trợ Đoàn luật sư tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư hàng năm.

Đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết Quy chế phối hợp số 105/QCPH/UBND-ĐLS về hoạt động hỗ trợ tư vấn pháp luật, phản biện xã hội, cung cấp dịch vụ pháp lý và phổ biến giáo dục pháp luật để Đoàn Luật sư thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao vì mục tiêu chung, bảo đảm hiệu quả, nhanh chóng, chặt chẽ, kịp thời, đúng pháp luật trên tinh thần chủ động, hợp tác, bình đẳng, dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực hành nghề, Đoàn Luật sư tỉnh còn tổ chức, phân công các luật sư thành viên tham gia tích cực vai trò xã hội phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh để trợ giúp pháp lý cho các đối tượng người nghèo, trẻ em và diện chính sách thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật miễn phí trực tiếp, phân công luật sư tham gia tư vấn pháp luật thường xuyên qua các chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế, cử luật sư có kinh nghiệm, có uy tín tham gia tư vấn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết một số vụ việc có tính pháp lý phức tạp.

Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tập trung vào xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nghề luật sư, hoàn thiện thể chế, đào tạo nghề luật sư, kiểm tra, thanh tra và tranh thủ mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Góp phần phát triển chất lượng, số lượng đội ngũ luật sư cũng như tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ để Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện các hoạt động do Nhà nước giao: hỗ trợ kinh phí hoạt động và kinh phí tổ chức Đại hội cho Đoàn luật sư[4], hỗ trợ kinh phí hoạt động tuyên truyền, phố biến pháp luật[5], tổ chức hội nghị bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư hàng năm[6].

UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 28/11/2011 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2011 đến năm 2020 và Quyết định số 1110/QĐ-UBND ngày 11/6/2013 ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2011 đến năm 2020.

Sở Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật rà soát, đánh giá tình hình liên kết giảng dạy, học tập và nhu cầu mở các lớp đào tạo nghề luật sư tại Trường Đại học Luật – Đại học Huế, cho đến nay Trường Đại học Luật và Học viện Tư pháp đã liên kết mở 03 lớp đào tạo hành nghề luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có hơn 150 học viên tham gia.

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự Đoàn Luật sư qua các nhiệm kỳ luôn được quan tâm. Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 24/7/1992 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với 05 luật sư (02 luật sư chính thức và 03 luật sư tập sự). Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từng bước củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đoàn luật sư. 

Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê chuẩn kết quả Đại hội Đoàn Luật sư nhiệm kỳ V (2008-2013) và Điều lệ Đoàn Luật sư được thông qua tại Đại hội; Quyết định số 225/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 phê chuẩn kết quả Đại hội nhiệm kỳ VI (2013 - 2018); Vào năm 2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội bất thường của Đoàn Luật sư tỉnh để bầu bổ sung thành viên Ban chủ nhiệm và bầu Chủ nhiệm Đoàn Luật sư (thay thế Chủ nhiệm đã qua đời), ban hành Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 phê chuẩn kết quả Đại hội nhiệm kỳ VII (2019-2024).

Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 hết năm 2022, Sở Tư pháp đã tiến hành 39 cuộc thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư trong đó: 26 cuộc thanh tra và 13 cuộc kiểm tra[7]. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy các luật sư đã cơ bản chấp hành quy định của pháp luật có liên quan, tôn trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư; hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 tổ chức hành nghề luật sư với tổng số tiền phạt là 46 triệu đồng[8], về các hành vi vi phạm hành chính. Sở Tư pháp không nhận được khiếu nại, tố cáo về luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Từ năm 2007 đến hết năm 2022, Sở Tư pháp đã cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 39 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đảm bảo quy định của pháp luật và trả kết quả đúng thời gian quy định. Thực hiện thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của 12 tổ chức hành nghề luật sư đúng trình thự, thủ tục và thực hiện thông báo cho các cơ quan, ban, ngành có liên quan theo quy định. Lý do thu hồi gồm: Người đại diện theo pháp luật chết, tự chấm dứt hoạt động hoặc hết thời hạn tạm ngưng mà không thông báo hoạt động trở lại theo quy định của Luật Luật sư.

Đoàn luật sư đã phát huy tốt vai trò tự quản của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn theo quy định của Luật luật sư và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. 100% các vụ án hình sự có yêu cầu chỉ định luật sư của cơ quan tố tụng đều được Đoàn giải quyết nhanh chóng, đúng thủ tục quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Cơ quan điều tra thường xuyên rà soát những đối tượng là bị can, bị hại được hưởng các chế độ trợ giúp pháp lý, đối tượng có đề nghị thuê luật sư, từ đó phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh hoặc các tổ chức hành nghề luật sư để yêu cầu cử luật sư tham gia tố tụng và thông báo đăng ký người bào chữa cho các bị can, bị hại trong các vụ án khi có yêu cầu; đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Việc phối hợp thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật, chưa xảy ra trường hợp vi phạm phải ra thông báo từ chối đăng ký bào chữa. Từ năm 2007 đến năm 2022, các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 10.657 vụ, trong đó có 1.540 vụ có luật sư tham gia vào hoạt động tốt tụng (chiếm tỷ lệ 14,5 %)[9].

Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự chỉ định, vụ án dân sự, hôn nhân gia đinh, kinh doanh thương mai, lao động, hành chính. Từ năm 2007 đến năm 2022, tổng số vụ việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác do luật sư thực hiện tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế là 2.195 vụ/ 41.552 vụ án đã giải quyết (chiếm tỷ lệ 5,3%). Trong lĩnh vực hình sự, có 658 vụ án/9187 vụ án Viện Kiểm sát nhân dân thụ lý giải quyết có luật sư tham gia tố tụng (chiếm tỷ lệ 7,2%). 100% các vụ án hình sự luật sư tham gia theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đều được các luật sư kịp thời tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo. Giữa luật sư, Đoàn luật sư, các cơ quan tố tụng luôn có sự phối hợp tốt, đảm bảo cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ khi tham gia tố tụng, vì vậy chưa có luật sư nào khiếu nại, tố cáo các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian qua.

Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động các thành viên trong Đoàn Luật sư chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Những năm qua Đoàn Luật sư, các tổ chức luật sư đã rất tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, các Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong quá trình tham gia tố tụng.

Ngoài những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Luật Luật sư tồn tại một số khó khăn, vướng mắc: Thể chế về tổ chức, hoạt động luật sư mặc dù đã từng bước được hoàn thiện, song vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, các quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức khác với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư ở địa phương trong việc quản lý về luật sư và hành nghề luật sư chưa được ký kết hoặc chưa phát huy được hiệu quả; Công tác quản lý nhà nước về luật sư chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đi vào chiều sâu, việc tham mưu thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; Đa số các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô nhỏ, quản trị, điều hành mang tính chuyên nghiệp chưa cao; Một số luật sư có chuyên môn nghiệp vụ chưa theo kịp yêu cầu, ý thức tuân thủ đạo đức và ứng xử nghề nghiệp có lúc hạn chế, chưa thực hiện tốt các yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước theo quy định; có hành vi tiêu cực trong hành nghề cũng như các hoạt động chính trị, xã hội khác hoặc lợi dụng quyền hành nghề luật sư thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tác động, lôi kéo người dân thực hiện khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; Vai trò tự quản của Đoàn Luật sư trong quá trình chỉ đạo, điều hành có lúc thiếu kịp thời, thường xuyên, nhất là việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị cho luật sư. Một số nhiệm vụ pháp luật giao cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện đã được triển khai nhưng có lúc vẫn còn hạn chế, như: công tác giám sát tập sự hành nghề luật sư, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư…

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Luật Luật sư hiện hành đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư: Quy định cơ chế giám sát giữa Đoàn Luật sư đối với hoạt động của những người tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư; Quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, phạm vi hành nghề của luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; Xã hội hóa công tác đào tạo nghề luật sư đảm bảo lộ trình phù hợp, tính khả thi về nguồn lực xã hội và các điều kiện cần thiết; Tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội; Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư nhất là trong việc giám sát luật sư, người tập sự hành nghề luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện tự quản theo quy định của pháp luật, dưới sự quản lý của nhà nước; Quy định rõ hơn mối quan hệ giữa quản lý nhà nước với tự quản; bảo đảm sự thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động luật sư; quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư.

 


[1] 27 tổ chức, trong đó: 10 Văn phòng luật sư  và 17 Công ty luật

[2] Công ty luật TNHH Ngọc Hạnh và Công sự: 10 luật sư

[3] Từ năm 2007: 343 vụ; năm 2008: 240 vụ; năm 2009: 218 vụ; năm 2010: 292 vụ; năm 2011: 143 vụ; năm 2012: 245 vụ; năm 2013: 121 vụ; năm 2014: 176 vụ; năm 2015: 136 vụ; năm 2016: 148 vụ; năm 2017: 48 vụ; năm 2018: 53 vụ; năm 2019: 106 vụ; năm 2020: 77 vụ; năm 2021: 188 vụ; năm 2022: 140 vụ

[4] Năm 2012: 110 triệu đồng; năm 2013: 60 triệu đồng; năm 2014: 10 triệu đồng; năm 2017: 10 triệu đồng; 2018: 10 triệu; năm 2019: 100 triệu; năm 2020: 200 triệu; năm 2021: 180 triệu; năm 2022: 180 triệu

[5] Ký kết hợp đồng trách nhiệm hỗ trợ kinh phí hoạt động tuyên truyền, phố biến pháp luật với Đoàn luật sư tỉnh, thực hiện từ năm 2017 đến nay, kinh phí hỗ trợ là 10 triệu đồng/năm.

[6] Thực hiện từ năm 2015 đến nay, hỗ trợ thông qua việc bố trí địa điểm bồi dưỡng, mời báo cáo viên, phục vụ nước uống với kinh phí trên 07 triệu đồng/năm.

[7] Từ năm 2011 đến năm 2022 tiến hành 26 cuộc thanh tra: năm 2011: 02 cuộc; năm 2012: 02 cuộc; năm 2013: 02 cuộc; năm 2014: 03 cuộc; năm 2015: 02 cuộc; năm 2016: 01 cuộc; năm 2017: 01 cuộc; năm 2018: 03 cuộc; năm 2019: 03 cuộc; năm 2020: 03 cuộc; năm 2021: 03 cuộc; năm 2022: 01 cuộc.

  Từ năm 2015 đến năm 2022 tiến hành 13 cuộc kiểm tra: năm 2015: 01 cuộc; năm 2016: 02 cuộc; năm 2017: 02 cuộc; năm 2018: 3 cuộc; năm 2019: 01 cuộc; năm 2020: 01 cuộc; năm 2021: 02 cuộc; năm 2022: 01 cuộc.

[8] Năm 2017 xử lý vi vi phạm hành chính đối với 01 tổ chức hành nghề luật sư với số tiền 1.000.000 đồng; năm 2018 xử lý vi vi phạm hành chính đối với 02 tổ chức hành nghề luật sư với số tiền 8.000.000 đồng; năm 2022 xử lý vi vi phạm hành chính đối với 02 tổ chức hành nghề luật sư với số tiền 37.000.000 đồng, các hành vi vi phạm sau: (1) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động; (2) cho người không phải là luật sư của tổ chức mình hành nghề luật sư dưới danh nghĩa của tổ chức mình; (3) không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động; (4) đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn với cơ quan có thẩm quyền.

[9] Số vụ án có luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra là 1.540 vụ/10.657 vụ thụ lý điều tra, trong đó năm 2007:10/140 vụ; năm 2008: 7/141 vụ; năm 2009: 119/550 vụ; năm 2010: 100/593 vụ; năm 2011: 114/662 vụ; năm 2012: 122/680 vụ; năm 2013: 98/887 vụ; năm 2014: 121/872 vụ; năm 2015: 145/831 vụ; năm 2016: 126/819 vụ; năm 2017: 93/805 vụ; năm 2018: 60/793 vụ; năm 2019: 77/839 vụ; năm 2018: 60/793 vụ; năm 2019: 77/839 vụ; năm 2020: 121/794 vụ; năm 2021: 104/631 vụ; năm 2022: 123/620 vụ.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.523
Lượt truy cập hiện tại 820