Các cơ quan chuyên môn khi tham mưu đề nghị xây dựng, ban hành văn bản đã tổ chức nghiên cứu kỹ các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tình hình kinh tế - xã hội, nguồn lực… để tham mưu soạn thảo văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Các cơ quan khi được phân công soạn thảo đều đảm bảo đúng quy trình xây dựng; lập đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo văn bản, đặc biệt xây dựng dự thảo thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 khi tiến hành lập đề nghị xây nghị quyết, xây dựng dự thảo nghị quyết nghiên cứu hướng dẫn tại Mục 1, Chương II Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP và Biểu mẫu số 01, Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 để tiến hành đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng theo các nội dung về tác động kinh tế, xã hội, giới, tác động đối với hệ thống pháp luật theo Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Từ đó, quy trình và nội dung ban hành đảm bảo đúng quy định, chất lượng văn bản nâng lên, nội dung quy định phù hợp thực tiễn, nguồn lực đảm bảo thi hành, văn bản có tính khả thi cao.
Về đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Trong năm 2022, đã thực hiện đánh giá tác động 06 TTHC tại 03 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh có chứa TTHC, cụ thể:
- Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện việc đánh giá tác động 01 TTHC trong 01 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 25/01/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thay thế Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 23/02/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, gồm 01 TTHC.
- Tại Sở Công Thương đã đánh giá tác động 03 TTHC trong 01 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 25/01/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Ngày 18/02/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 472/QĐ-UBND công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 03 TTHC.
- Tại Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã đánh giá tác động 02 TTHC trong 01 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 07/9/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 21/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 2279/QĐ-UBND công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực vận tải biển thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, gồm 02 TTHC.
Tồn tại, hạn chế
Việc thực hiện quy trình đánh giá tác động đối với các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản QPPL của một số sở, ban, ngành còn thiếu tính chủ động, phần lớn chưa thực hiện đồng thời việc đánh giá tác động về TTHC ngay trong giai đoạn soạn thảo văn bản QPPL mà chỉ thực hiện sau khi gửi lấy ý kiến, thẩm định và được Sở Tư pháp yêu cầu bổ sung; đồng thời việc đánh giá tác động về TTHC của một số cơ quan soạn thảo còn mang tính hình thức, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Việc bố trí công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo kinh nghiệm và năng lực; bên cạnh đó do thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, thường xuyên bị thay đổi nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật có quy định về TTHC thường xuyên thay đổi nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị vẫn chưa chặt chẽ, thường xuyên, nhất là trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật với cơ quan có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát TTHC.
Kiến nghị, đề xuất: Kiến nghị Bộ Tư pháp tăng cường việc tổ chức tập huấn, trao đổi, đối thoại về công tác thực hiện việc đánh giá tác động về TTHC, cách nhận diện, xác định đúng các văn bản QPPL và cách thẩm định, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC, thông qua đó nhằm giúp củng cố kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công tác pháp chế trực tiếp tham mưu công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện thể chế tại địa phương.