Trên cơ sở quy định, cơ cấu của Luật Đấu giá tài sản, có thể phân định các giai đoạn của quá trình đấu giá tài sản và quy định tương ứng từ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (viết tắt là Luật Thi hành án dân sự) như sau:
1. Giai đoạn trước khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Có thể hình dung thủ tục trước khi lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản, đó là những việc thuộc về người có tài sản, cụ thể:
(i) Xác định giá khởi điểm của tài sản được thực hiện trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Đối với tài sản thi hành án dân sự, việc định giá tài sản theo quy định tại Điều 98, Điều 99 Luật Thi hành án dân sự.
(ii) Xây dựng phương án đấu giá: Phương án đấu giá này do người có tài sản xây dựng, khác với phương án đấu giá do tổ chức đấu giá tài sản xây dựng. Ví dụ như trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/04/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tại Điều 6 Thông tư liên tịch này quy định Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Trong phương án này có cả phương thức lựa chọn đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá và các nội dung khác, như: dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đấu giá các thửa đất; đối tượng và điều kiện được tham gia đấu giá; mức phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá; hình thức đấu giá được áp dụng khi thực hiện cuộc bán đấu giá; kinh phí, nguồn chi phí tổ chức thực hiện việc đấu giá,...
Luật Thi hành án dân sự không quy định về xây dựng phương án đấu giá tài sản trước khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
(iii) Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Tiêu chí để người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Trong các tiêu chí này, có tiêu chí phương án đấu giá khả thi, hiệu quả do tổ chức đấu giá lập, gồm các nội dung: đề xuất việc tổ chức đấu giá đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan; đề xuất thời gian, địa điểm bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, buổi công bố giá thuận lợi cho người tham gia đấu giá; hình thức đấu giá, bước giá, số vòng đấu giá có tính khả thi và hiệu quả cao; đề xuất cách thức bảo mật thông tin, chống thông đồng, dìm giá; đề xuất thêm các địa điểm, hình thức niêm yết, thông báo công khai khác nhằm tăng mức độ phổ biến thông tin đấu giá; đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho việc tổ chức thực hiện đấu giá; đề xuất các giải pháp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá.
Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.
Luật Thi hành án dân sự không quy định về việc chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá như thế nào. Do đó, việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản của chấp hành viên căn cứ theo Điều 56 Luật Đấu giá tài sản và Thông tư số 02/2022/TT-BTP.
2. Giai đoạn tổ chức bán đấu giá tài sản
Tại Chương III, Chương IV Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Theo đó, các bước như sau:
- Người có tài sản đấu giá ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật Đấu giá tài sản (Điều 33).
- Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản (Điều 34).
- Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản (Điều 35); thông báo công khai việc đấu giá tài sản (Điều 57); công khai giá khởi điểm, phương thức đấu giá (Điều 58)
- Xem tài sản đấu giá: Kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày (Điều 36).
- Bán hồ sơ đấu giá và đăng ký tham gia đấu giá: Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày.
Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước được quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.
- Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến. Phương thức đấu giá bao gồm: phương thức trả giá lên; phương thức đặt giá xuống (theo quy định tại Điều 55 và Điều 58 Luật Đấu giá tài sản, tài sản thi hành án dân sự chỉ đươc áp dụng phương thức trả giá lên). Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá phải được quy định trong Quy chế cuộc đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.
- Biên bản đấu giá: Cuộc đấu giá chấm dứt khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá hoặc khi đấu giá không thành theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật Đấu giá tài sản.
- Chuyển hồ sơ cuộc đấu giá: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản phải ghi kết quả đấu giá tài sản vào Sổ đăng ký đấu giá tài sản và thông báo bằng văn bản cho người có tài sản đấu giá.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản chuyển kết quả đấu giá tài sản, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá cho người có tài sản đấu giá để ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt kết quả đấu giá tài sản, hoàn thiện các thủ tục liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá tài sản: Kết quả đấu giá tài sản là căn cứ để các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc cơ sở để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Ngoài ra, trong chương III, IV còn quy định các trình tự, thủ tục liên quan: Đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá; rút lại giá đã trả, giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá; đấu giá không thành; đấu giá theo thủ tục rút gọn; lưu trữ hồ sơ.
3. Giai đoạn xử lý những phát sinh sau cuộc đấu giá
Sau khi tổ chức cuộc đấu giá, có thể có trường hợp dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 73; trường hợp có tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản thi hành án dân sự, theo quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Ngoài ra, Luật Thi hành án dân sự quy định về: Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án (Điều 103); xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành (Điều 104)./.