Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số vấn đề trao đổi và kiến nghị liên quan đến đấu giá tài sản thi hành án dân sự
Ngày cập nhật 09/01/2023

Theo quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (viết tắt là Luật Thi hành án dân sự) thì kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án. Đối với tài sản đã kê biên thì được bán theo các hình thức: Bán đấu giá và bán không qua thủ tục đấu giá. Trong đó, tài sản bán không qua thủ tục đấu giá do chấp hành viên thực hiện đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng. Như vậy, với tài sản còn lại phải bán qua thủ tục đấu giá. Quy định này tương thích với điểm đ khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 là tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự phải bán thông qua đấu giá.

 

Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật về đấu giá tài sản đối với tài sản thi hành án dân sự còn có một số vấn đề chưa tương thích, chưa rõ ràng, cần được nghiên cứu, xem xét. Bài viết trao đổi về một số vấn đề liên quan và kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện, đồng bộ giữa các Luật, tạo thuận lợi trong thực hiện pháp luật.

1. Một số vấn đề về đấu giá tài sản giữa Luật Đấu giá tài sản và Luật Thi hành án dân sự

a) Điều 3 Luật Đấu giá tài sản quy định về áp dụng Luật đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác, cụ thể:

1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Với quy định trên, có thể hiểu việc lựa chọn áp dụng Luật Đấu giá tài sản là bắt buộc trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. “Trình tự, thủ tục đấu giá” là gì? Có thể phân quy trình, thủ tục đấu giá làm 03 giai đoạn: giai đoạn trước khi tổ chức đấu giá tài sản; giai đoạn (trình tự, thủ tục) tổ chức đấu giá tài sản; giai đoạn xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) sau cuộc đấu giá tài sản. chương III, chương IV Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản.

Như vậy, có thể hiểu “sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá” nghĩa là khác nhau với các quy định tại chương III, chương IV Luật Đấu giá tài sản hay không? Và điều này có nghĩa, thủ tục trước khi lựa chọn được tổ chức đấu giá và xử lý những vấn đề phát sinh sau cuộc đấu giá có thể thực hiện theo quy định pháp luật khác.

Tại khoản 6 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Như vậy, việc bán đáu giá tài sản thi hành án dân sự phải tuân thủ thủ tục bán đấu giá tại Luật Đấu giá tài sản; giai đoạn trước khi tổ chức bán đấu giá tài sản và sau khi đã chấm dứt cuộc đấu giá, thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự?

b) Trong Chương III Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, có điều khoản quy định về Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá tài sản. Theo đó, kết quả đấu giá tài sản là căn cứ để các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc cơ sở để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, tại Điều 106 Luật Thi hành án dân sự về đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có: Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự; Bản sao bản án, quyết định; Quyết định thi hành án; Quyết định kê biên tài sản, nếu có; Văn bản bán đấu giá thành hoặc quyết định giao tài sản, biên bản giao nhận tài sản để thi hành án; Giấy tờ khác có liên quan đến tài sản.

Như vậy, văn bản bán đấu giá thành là văn bản gì, do cơ quan nào ban hành thì chưa được Luật Thi hành án dân sự quy định rõ, trong khi Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản.

c) Đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản trúng đấu giá

Theo tinh thần của Luật Đấu giá tài sản, việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản trên cơ sở hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đối với tài sản thi hành án dân sự (tài sản bị kê biên) thì khó có thể đạt được sự thỏa thuận, thống nhất của chủ sở hữu, sở dụng trong việc phối hợp thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người trúng đấu giá tài sản. Do đó, Luật Thi hành án dân sự quy định biện pháp để đảm bảo thực hiện, cụ thể tại khoản 4, 5, 6 Điều 106 của Luật này: Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ. Đối với tài sản không thuộc trường hợp trên mà không có giấy tờ đăng ký hoặc không thu hồi được giấy tờ đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Giấy tờ được cấp mới thay thế cho giấy tờ không thu hồi được. Giấy tờ không thu hồi được không còn giá trị.

2. Một số kiến nghị

 Để thuận lợi trong áp dụng pháp luật đấu giá tài sản thi hành án dân sự, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền như sau:

- Luật Đấu giá tài sản cần làm rõ trình tự, thủ tục đấu giá là gì? có phải bao gồm tất cả các công đoạn từ khi chuẩn bị cho việc đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá đến khi xử lý vi phạm, giải quyết những vấn đề phát sinh (nếu có) sau khi kết thúc đấu giá; hay chỉ có giai đoạn tổ chức đấu giá thực hiện các trình tự, thủ tục cho một phiên đấu giá? Việc làm rõ nội dung này là cơ sở quan trọng để áp dụng đúng Điều 3 của Luật về áp dụng Luật đấu giá tài sản và quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại các luật khác. Theo quan điểm của tác giả, để phù hợp với với các luật chuyên ngành khác, bao gồm cả Luật Thi hành án dân sự, nên hiểu “trình tự, thủ tục đấu giá” theo nghĩa hẹp, nghĩa là trình tự, thủ tục mà tổ chức đấu giá thực hiện cho một phiên đấu giá đến khi kết thúc đấu giá.

- Tại Luật Thi hành án dân sự, xem xét làm rõ “văn bản bán đấu giá thành” theo hướng là Quyết định phê duyệt kết quả đấu giá tài sản của Cơ quan Thi hành án dân sự để phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và quy định về đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản trúng đấu giá trong thi hành án dân sự./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.530.636
Lượt truy cập hiện tại 8.563