1. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Tại Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23//12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức như sau:
“2.Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
4. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.
5. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư”.
Như vậy, tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính khi có vi phạm hành chính bao gồm pháp nhân và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật, cụ thể là: Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Các tổ chức trên bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP nêu trên. Tổ chức nào bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ được nêu cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
2. Một số vấn đề trao đổi
a) Chi nhánh, văn phòng đại diện có phải là tổ chức được ủy quyền từ pháp nhân?
Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân. Theo đó, chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Việc quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo quy định tại đoạn 2 khoản 4 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP có lẽ xuất phát từ quan điểm cho rằng, nhiệm vụ thường xuyên của chi nhánh, văn phòng đại diện là nhiệm vụ được pháp nhân uỷ quyền cho chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, pháp nhân có thể uỷ quyền cho chi nhánh để thực hiện. Do đó, khi chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.
Tuy nhiên, quan điểm trên không phù hợp với quy định về uỷ quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể tại Điều 138 Bộ luật Dân sự nêu: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, đối tượng nhận uỷ quyền phải là pháp nhân, trong khi đó chi nhánh và văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân. Quy định này phù hợp với Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 “người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền”.
Như vậy, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện thực chất là hoạt động của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện được pháp nhân ủy quyền. Do đó, khi có hành vi vi phạm không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì người chịu trách nhiệm là người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
b) Chi nhánh, văn phòng đại diện không có tài sản độc lập và không thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định; c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Chi nhánh, văn phòng đại diện là tổ chức phụ thuộc của pháp nhân, không có tư cách pháp nhân. Do đó, Chi nhánh, văn phòng đại diện không có tài sản độc lập, không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Chính vì vậy, khi áp dụng các hình thức xử phạt, đặc biệt là xử phạt tiền đối với chi nhánh, văn phòng đại diện thì sẽ phải thi hành như thế nào?
c) Kiến nghị
Từ các phân tích trên, kiến nghị việc xử phạt vi phạm hành chính nên áp dụng đối với pháp nhân đã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện để phù hợp với bản chất của chi nhánh, văn phòng đại điện là đươn vị phụ thuộc của pháp nhân. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Trường hợp người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện (thực chất là người thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân) có hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả trách nhiệm bị xử phạt vi phạm hành chính./.