1. Quy định của pháp luật về uỷ quyền
a) Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền (Luật Doanh nghiệp năm 2020)
Theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây: (i) Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp; (ii) Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
(Điều 14, 15 Luật Doanh nghiệp năm 2015 quy định về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức nhằm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người được đại diện tại doanh nghiệp, nói cách khác, đây là ủy quyền đại diện phần vốn góp. Bài viết không đề cập đến trường hợp này vì phạm vi trao đổi liên quan đến việc ủy quyền để thực hiện các hợp đồng, giao dịch dân sự).
b) Đại diện theo ủy quyền theo quy định tại Bộ luật Dân sự
Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
2. Những nội dung về uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là doanh nghiệp
Từ các quy định nêu trên, cần lưu ý một số vấn đề về uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là doanh nghiệp như sau:
- Người uỷ quyền: Theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới được đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Do đó, đối với doanh nghiệp, chỉ có người đại diện theo pháp luật mới được uỷ quyền.
- Người được uỷ quyền: căn cứ theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015, Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện. Tất nhiên, đối với hoạt động của doanh nghiệp, người được uỷ quyền phải có các điều kiện theo quy định của điều lệ hoặc quy định nội bộ của doanh nghiệp, bảo đảm cho sự quản lý, hoạt động của doanh nghiệp. Thông thường trong trường hợp này, ủy quyền liên quan đến vấn đề phân quyền tại doanh nghiệp, hay còn gọi là ủy quyền nội bộ (ví dụ Giám đốc uỷ quyền Phó Giám đốc,…).
- Thời điểm uỷ quyền: Trên cơ sở các quy định, người đại diện theo pháp luật có thể uỷ quyền vào bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật phải uỷ quyền trong trường hợp theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020, đó là: Trường hợp doanh nghiệp chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam mà người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam thì phải ủy quyền.
- Người nhận ủy quyền cũng có thẩm quyền ủy quyền, nghĩa là uỷ quyền lại theo quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, người nhận ủy quyền có quyền ủy quyền lại cho người thứ ba khi: Được sự đồng ý của người ủy quyền; do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì việc ủy quyền ban đầu không thể thực hiện được. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
- Phạm vi uỷ quyền: Người đại diện theo pháp luật uỷ quyền cho người khác thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời lưu ý những trường hợp pháp luật không cho phép được uỷ quyền trong quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự về uỷ quyền.
3. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân, cụ thể: Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
“1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp”.
Một số ý kiến cho rằng, nhiệm vụ thường xuyên của chi nhánh là nhiệm vụ được pháp nhân uỷ quyền cho chi nhánh. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, pháp nhân có thể uỷ quyền cho chi nhánh để thực hiện.
Tuy nhiên, quan điểm trên không phù hợp với quy định về uỷ quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể tại Điều 138 nêu: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy, đối tượng nhận uỷ quyền phải là pháp nhân, trong khi đó chi nhánh và văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân. Quy định này phù hợp với Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 “người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền”.
Do đó, trong trường hợp này, cần phải hiểu rằng, pháp nhân ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện các nhiệm vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đối với quy định “1. Chi nhánh … có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền” tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trên tinh thần quy định về uỷ quyền, cần được hiểu theo hướng: Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện bao gồm cả chức năng đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân; nghĩa là, pháp nhân có chức năng đại diện theo uỷ quyền và pháp nhân có thể giao nhiệm vụ thuộc chức năng này cho chi nhánh thực hiện (không phải chi nhánh thực hiện chức năng với vai trò là bên đại diện theo uỷ quyền từ người uỷ quyền là pháp nhân).
4. Kiến nghị hoàn thiện
- Theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có thể dẫn đến cách hiểu: Người đại diện theo pháp luật chỉ được ủy quyền trong trường hợp doanh nghiệp chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam mà người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam thì bắt buộc phải ủy quyền. Và đây là trường hợp được uỷ quyền duy nhất của người đại diện theo pháp luật. Như đã phân tích ở mục 1 bài viết này, cách hiểu này sẽ dẫn đến quy định của Luật Doanh nghiệp mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự. Cách hiểu phù hợp như đã phân tích ở mục 1 bài viết. Do đó, để tránh việc hiểu đa nghĩa, về mặt kỹ thuật lập pháp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thể nêu rõ ngoài trường hợp người đại diện theo pháp luật bắt buộc phải uỷ quyền như Điều 12 thì việc uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
- Với quy định về chi nhánh và văn phòng đại diện tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu như phân tích tại mục 3 nêu trên. Do đó, kiến nghị xem xét, chỉnh lý để đảm bảo có sự thống nhất trong áp dụng, thực hiện pháp luật./.