Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Căn cứ nào để xác định công dân Việt Nam sinh sống lâu dài ở nước ngoài?
Ngày cập nhật 25/11/2022

Việc xác định chủ thế trong tham gia các quan hệ dân sự là yếu tố quan trọng để xem xét các quyền và nghĩa vụ của họ theo đúng quy định pháp luật. Đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam sinh sống lâu dài ở nước ngoài có những vướng mắc liên quan đến xác định yếu tố cư trú ở nước ngoài.

 

Một trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài là quy định tại Điều 186 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nếu được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế cho các đối tượng theo quy định; trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

Trên thực tế, khi một người có “yếu tố nước ngoài” tham gia vào các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất ở (như: sử dụng hộ chiếu để thực hiện giao dịch, có thời gian ở nước ngoài,…), rất cần xác định chính xác họ không phải là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Khoản 3 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Với quy định trên, khi xác định người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ gồm có 02 nhóm đối tượng: (i) là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài và (ii) người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy, trường hợp người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài thì việc xác định sẽ dễ dàng vì họ không có giấy tờ gì chứng minh có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đối với trường hợp là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài thì việc xác định sẽ khó khăn hơn vì yếu tố “cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài’ phụ thuộc vào quy định của pháp luật nước ngoài, nếu đương sự không tự nguyện xuất trình các giấy tờ về cư trú của nước ngoài thì sẽ rất khó xác định. Vậy việc xem xét này có thể căn cứ vào giấy tờ tuỳ thân hay quy định về cư trú hay không?

1. Căn cứ vào Giấy tờ tùy thân

Từ vị trí “bị động”, tác giả lập luận theo hướng: công dân khi đã cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài thì công dân đó sẽ không còn cư trú tại Việt Nam. Vậy có thể căn cứ vào các giấy tờ tùy thân để xác định trường hợp công dân Việt Nam có còn cư trú tại Việt Nam hay không, từ đó xác định việc công dân sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Trong bài viết này, không đề cập đến Chứng minh dân sỹ quan và Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân vì đây là 02 loại chứng minh đặc thù để chứng minh đang phục vụ trong các lực lượng này và bị thu hồi khi thôi phục vụ; cũng không xem xét hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao vì những loại giấy tờ này được cấp cho các đối tượng cụ thể và trong những trường hợp đặc biệt được quy định chặt chẽ. Bài viết phân tích đối với giấy tờ tùy thân mang tính phổ biến là chứng minh nhân dân, căn cước công dân và hộ chiếu phổ thông.

- Chứng minh nhân dân: Điều 3 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân quy định đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân là Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân bị thu hồi trong các trường hợp sau: Bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; ra nước ngoài định cư. Điểm a khoản 2 phần III Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP nêu: “Công dân bị thu hồi CMND trong các trường hợp đã có quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc đã có quyết định cho phép công dân Việt Nam ra định cư ở nước ngoài, thì công dân phải báo cho công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú biết. Công an phường, xã, thị trấn phải báo cáo Công an cấp huyện để thu hồi CMND những trường hợp này, khi thu hồi CMND phải lập biên bản và chuyển về Công an tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để lưu chung với hồ sơ cấp CMND”.

Như vậy, với CMND thì có thể xác định: công dân Việt Nam có chứng minh nhân dân là công dân đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là không thuộc đối tượng công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

- Căn cước công dân: Điều 18 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 37/2021/NĐ-CP) quy định Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân.

Khoản 1 Điều 28 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Với quy định trên, chỉ có công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên thường trú trong nước mới được cấp thẻ Căn cước công dân, điều này có nghĩa là công dân Việt nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài không được cấp thẻ Căn cước công dân.

- Hộ chiếu: Điều 14 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định Công dân Việt Nam được xem xét cấp hộ chiếu phổ thông trừ trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

Khoản 3 Điều 6 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.

Tại khoản 1  Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

 Khoản 1 Điều 16 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định  người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung, giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này và xuất trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Với quy định trên, có 02 trường hợp: Nếu hộ chiếu phổ thông được cấp trong nước thì đó là công dân Việt Nam thường trú ở trong nước (vì có thể hiện CMND hoặc CCCD của Việt Nam, mà CMND, CCCD chỉ cấp cho công dân Việt Nam thường trú trong nước). Nếu hộ chiếu phổ thông được cấp ở nước ngoài mà thông tin giấy tờ tùy thân không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì chỉ mới chứng minh được là người đó có quốc tịch Việt Nam, không chứng minh được nội dung liên quan đến cư trú.

2. Căn cứ pháp luật cư trú của Việt Nam

Về nguyên tắc, công dân có quyền về cư trú. Điều 8 Luật Cư trú năm 2020 ghi nhận “Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tại Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 quy định các trường hợp xóa đăng ký thường trú, trong đó có trường hợp ra nước ngoài để định cư; vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư (thủ tục xóa đăng ký thường trú được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú).

Căn cứ theo pháp luật cư trú, nếu thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú do ra nước ngoài định cư thì yếu tố “công dân Việt Nam sinh sống lâu dài ở nước ngoài” đã rõ ràng (trong trường hợp vẫn còn quốc tịch Việt Nam); trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư thì được cơ quan quản lý về cư trú xác định cụ thể. Do đó, trường hợp cá nhân đã có đăng ký thường trú tại Việt nam thì không thuộc trường hợp “công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.

3. Vấn đề trao đổi

Khoản 3 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Như vậy, việc xác định “công dân Việt nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” nên tiếp cận từ góc độ “chủ động”, nghĩa là, căn cứ vào các quy định, vào giấy tờ thể hiện đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên có những trường hợp cá nhân không xuất trình, khai báo đầy đủ các giấy tờ thể hiện đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Từ đó, người có trách nhiệm xác định chủ thể đủ điều kiện tham gia giao dịch dân sự phải có phương pháp để xác định, tất nhiên, từ góc độ tiếp cận này, người có trách nhiệm chỉ có thể “bị động”, gián tiếp thông qua việc phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam để chứng minh ngược lại là công dân này có còn thường trú tại Việt Nam hay không. Cách tiếp cận này mang nhiều rủi ro và có lúc không phù hợp với thực tiễn.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần có quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định thế nào là công dân Việt Nam sinh sống lâu dài ở nước ngoài để thuận lợi trong áp dụng pháp luật./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.545.326
Lượt truy cập hiện tại 17.222