Hiện nay, chưa có quy định thế nào là giấy tờ tùy thân. Việc xác định giấy tờ tùy thân căn cứ qua các văn bản có quy định, cụ thể như sau:
- Chứng minh nhân dân: căn cứ Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân. Điều 1 của Nghị định nêu “Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”. Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân là Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Chứng minh nhân dân có gía trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
- Chứng minh dân sỹ quan: Căn cứ Nghị định số 130/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 của Chính phủ về Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi là Giấy chứng minh sĩ quan) chỉ cấp cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang phục vụ tại ngũ. Giấy chứng minh sĩ quan cấp cho người được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ, bao gồm: Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan và những người được bổ nhiệm giữ chức vụ sĩ quan được phong quân hàm sĩ quan. Giấy chứng minh sĩ quan được cấp nhằm mục đích: Chứng minh người được cấp Giấy chứng minh sĩ quan là sĩ quan đang phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; phục vụ công tác chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và thực hiện các giao dịch dân sự; phục vụ công tác quản lý sĩ quan.
- Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân: Căn cứ Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Mục đích sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là: Chứng minh người được cấp là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; phục vụ công tác quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và thực hiện các giao dịch dân sự. Thời hạn sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là mười hai năm. Trường hợp thời gian phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng còn dưới mười hai năm thì lấy thời hạn phục vụ còn lại để cấp.
- Căn cước công dân: Căn cứ Luật Căn cước công dân năm 2014; Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ.
Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Công dân có quyền sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ Căn cước công dân (Điều 18 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP). Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi (Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo).
- Hộ chiếu: Căn cứ Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Công dân Việt Nam có quyền sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật.
Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông; Giấy thông hành. Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông như sau: Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn; Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn; Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Trong đó, cần lưu ý rằng: Giấy chứng minh Công an nhân dân không sử dụng vào mục đích giao dịch. Theo quy định tại Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 08/5/2008 của Chính phủ về Giấy chứng minh Công an nhân dân thì Giấy chứng minh Công an nhân dân là loại giấy chỉ cấp cho sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đang phục vụ tại ngũ trong lực lượng Công an nhân dân theo chế độ chuyên nghiệp. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân chỉ sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân khi thi hành công vụ và theo đúng quy định: chứng minh người được cấp Giấy chứng minh Công an nhân dân là sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đang phục vụ tại ngũ trong lực lượng Công an nhân dân theo chế độ chuyên nghiệp; phục vụ công tác chiến đấu, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; phục vụ công tác quản lý sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân)./.