1. Chủ thể quan hệ dân sự
Để thấy rõ về chủ thể trong quan hệ dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật hiện hành), tác giả phân tích quy định về chủ thể tại Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 để so sánh sự khác nhau cơ bản.
a) Chủ thể trong quan hệ dân sự theo Bộ luật Dân sự năm 2005
- Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)».
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định 03 nhóm chủ thể là: cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác. Chủ thể khác ở đây là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được đề cập cùng nhau trong tất cả các quy định có đề cập đến chủ thể, xuyên suốt trong toàn bộ lời văn và tinh thần của Bộ luật.
- Bộ luật Dân sự năm 2005 phân loại pháp nhân thành 06 loại, trong đó có Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân (Điều 100 Bộ luật Dân sự năm 2005).
- Hộ gia đình và Tổ hợp tác được quy định tại Chương V Bộ luật Dân sự năm 2005, từ Điều 106 đến Điều 120. Theo đó, hộ gia đình và Tổ hợp tác đều được xác định là chủ thể trong các quan hệ dân sự (Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “1. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự”). Trong hộ gia đình, Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ, Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. Đối với tổ hợp tác, Tổ trưởng là đại diện của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự, Tổ trưởng tổ hợp tác có thể ủy quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ.
b) Chủ thể trong quan hệ dân sự theo Bộ luật Dân sự năm 2015
- Tại Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phạm vi điều chỉnh “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Chủ thế khác, tức là tổ chức không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.
- Ngoài hai chủ thể trên, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là chủ thể đặc biệt trong quan hệ dân sự được quy định tại Chương V (từ Điều 97 đến Điều 100): “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này” (Điều 97 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (so với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ tổ chức khác cụ thể là “tổ chức không có tư cách pháp nhân”) được quy định tại Chương VI (từ Điều 101 đến Điều 104 Bộ luật Dân sự năm 2015). Điều 101 của Bộ luật quy định chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân:
“1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.
Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.
2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai”.
Với quy định trên, các tổ chức muốn tham gia quan hệ dân sự thì phải thông qua các chủ thể là các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Các thành viên có quyền ngang nhau trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và có thể ủy quyền cho người đại diện.
2. Những vấn đề trao đổi
a) Từ quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2015, có những quan điểm khác nhau về vấn đề này:
- Quan điểm thứ nhất: Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu rõ chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân và pháp luật và Nhà nưóc. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân không phải chủ thể của quan hệ dân sự. Trong toàn bộ nội dung của Bộ luật khi đề cập đến chủ thể đều ghi nhận” cá nhân, pháp nhân” mà không nêu chủ thể nào khác.
Đối với Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì tham gia quan hệ dân sự qua chủ thể là các thành viên, phù hợp vớ quy định về chủ thể tại Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Quan điểm thứ hai, ngoài chủ thể là cá nhân, pháp nhân, chủ thể đặc biệt là Nhà nước đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, cần xem xét chủ thể của tổ chức khác thông qua quy định tại Điều 2 của Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
“Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Theo đó, các tổ chức không có tư cách pháp nhân đươc điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, điều chỉnh quan hệ dân sự trong một số lĩnh vực cụ thể, trên cơ sở không trái với nguyên tắc của pháp luật dân sự. Do đó, chủ thể của quan hệ dân sự phải hiểu là có thêm “chủ thể khác”.
b) Về chủ thể quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân
Với quy định tại Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, có 02 quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ thể quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân thì hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự. Mặc dù Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chủ thể này nhưng phải xác định chủ thể tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự là các thành viên. Các thành viên không phải nhân danh tổ chức mà phải nhân danh chính mình hoặc ủy quyền cho người khác.
- Quan điểm thứ hai, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân vẫn tham gia quan hệ dân sự phù hợp với bản chất của loại hình tổ chức của các chủ thể này. Theo Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì thông qua phương thức: các thành viên xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Trường hợp thành viên tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện, chứ không phải của tổ chức. Trên cơ sở xác định phương thức tham gia quan hệ như trên, các điều luật tiếp theo (102, 103, 104) của Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định thêm các vấn đề liên quan đến tài sản chung của tổ chức, trách nhiệm dân sự của các thành viên, hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện.
c) Việc tham gia quan hệ dân sự của các tổ chức không có tư cách pháp nhân khác
Ngoài chủ thể là hộ gia đình, tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân như quy định cụ thể tại Chương VI Bộ luật Dân sự năm 2015, còn có nhiều chủ thể khác tham gia vào quan hệ dân sự, như dòng họ, nhà thờ, nhà chùa, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân (văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại…).
Nếu hiểu tinh thần Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi các tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì phải thông qua các thành viên. Xét về mặt thực tế, giao dịch dân sự đó như là giao dịch của chính cá nhân thành viên đó và khó phân định rõ ràng giao dịch của tổ chức với giao dịch của cá nhân. Ví dụ như: Giao dịch dân sự phục vụ cho hoạt động của một doanh nghiệp tư nhân nhưng chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải là cá nhân, nghĩa là chủ của doanh nghiệp tư nhân đó; như vậy, khi xác định các trách nhiệm liên quan, nhất là trong hạch toán tài chính sẽ khó chính xác, đầy đủ để phân định rõ giao dịch nào là phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, giao dịch nào là phục vụ cho cá nhân.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích ở trên về chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, hạn chế các tranh chấp phát sinh, cần có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.
Trong đó, cần xem xét cụ thể đối với trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân khi tham gia vào các quan hệ dân sự phù hợp với tính chất, mô hình tổ chức, chế độ trách nhiệm của các tổ chức này, thống nhất với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan khác.
Xem xét vấn đề trách nhiệm nghĩa vụ của tổ chức không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự nếu xác định đây là chủ thể trong quan hệ dân sự (tiêu đề Điều 101 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi “Điều 101. Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”). Các điều luật liên quan trong Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ mới quy định về trách nhiệm của các thành viên./.