Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hợp đồng liên doanh và doanh nghiệp liên doanh
Ngày cập nhật 11/10/2022

Doanh nghiệp liên doanh là hình thức đầu tư trực tiếp. Hợp đồng liên doanh là một trong những cơ sở để hình thành doanh nghiệp liên doanh. Tuy nhiên, quy định pháp luật về doanh nghiệp liên doanh và hợp đồng liên quan lại chưa rõ ràng. Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật liên quan, xác định một số đặc điểm của doanh nghiệp liên doanh và hợp đồng liên doanh.

1. Doanh nghiệp liên doanh

Các luật, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định thế nào là doanh nghiệp liên doanh và rất ít đề cập đến hình thức doanh nghiệp liên doanh.

Tại Luật Đất đai năm 2013 có đề cập đến doanh nghiệp liên doanh với vai trò là người sử dụng đất, cụ thể, khoản 7 Điều 5 của Luật quy định người sử dụng đất “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trên cơ sở đó, quy định các nội dung liên quan đến doanh nghiệp liên doanh, như: nhận quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được chuyển đổi từ doanh nghiệp liên doanh,...

Theo các tài liệu tham khảo, doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Viêt Nam hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

Căn cứ các quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, phân tích một số nội dung liên quan như sau:

Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 quy định các hình thức đầu tư: (1) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (2) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; (3) Thực hiện dự án đầu tư; (4) Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; (5) Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ[1].

Liên quan đến việc thành lập tổ chức kinh tế, có 02 hình thức liên quan là (1) đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (2) đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. Đối với trường hợp đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, nghĩa là đã có tổ chức kinh tế được thành lập, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư bằng cách: mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, góp vốn vào tổ chức kinh tế khác; mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông, mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn, mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh, mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác[2]. Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định phải thực hiện; nhà đầu tư không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp phải thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế[3].

Như vậy, với hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, kết quả không phải tạo thành một tổ chức kinh tế mới mà thay đổi thành viên của công ty đã hình thành trước đó.  

Đối với mô hình doanh nghiệp liên doanh, phải thành lập tổ chức kinh tế mới. Vì vậy, các đặc điểm liên quan đến doanh nghiệp liên doanh trên cơ sở quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:

1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Điểm b khoản 1 Điều 126 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, quy định về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh):

“1. Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư được tiếp tục tổ chức và hoạt động theo quy định tại Giấy phép đầu tư và Điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không được quy định tại Giấy phép đầu tư và Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan theo nguyên tắc sau:

b) Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của hai nhà đầu tư nước ngoài trở lên và doanh nghiệp liên doanh thực hiện quy định tương ứng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.

Căn cứ các quy định trên, rút ra một số đặc điểm của doanh nghiệp liên doanh như sau:

- Thành lập doanh nghiệp liên doanh là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.

- Danh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và có các đặc điểm của mô hình này theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề được pháp luật cho phép tại Việt Nam. Hồ sơ đăng ký thành lập công ty liên doanh phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Các điều kiện về chủ thể đối với nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 (Điều 23), Chương V Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ uy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư,...

2. Hợp đồng liên doanh

Hợp đồng liên doanh là căn cứ để thành lập doanh nghiệp liên doanh. Thông qua hợp đồng liên doanh, các bên tham gia ký kết thỏa thuận về việc hợp tác kinh doanh với hình thức thành lập một công ty mới do các bên đồng thời làm chủ. Nói cách khác, hợp đồng liên doanh là cơ sở pháp lí ghi nhận quan hệ đầu tư. 

Việc kí kết hợp đồng dẫn đến việc thành lập một pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, chủ thể tham gia ký kết phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp,... Nội dung của sự thỏa thuận phải có những vấn đề liên quan đến tổ chức nội bộ của doanh nghiệp dự kiến thành lập, như: loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề và phạm vi kinh doanh, vốn điều lệ, phần vốn góp của mỗi bên, phương thức, tiến độ góp vốn điều lệ, điều kiện chấm dứt hoạt động, giải thể doanh nghiệp…

Hợp đồng liên doanh khác hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư năm 2020. Khoản 14 Điều 3 của Luật này nêu rõ khái niệm “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế”. Như vậy, sự khác biệt rõ ràng nhất giữa hai hợp đồng này chính là hệ quả pháp lý của nó, hợp đồng liên quan là cơ sở để thành lập tổ chức kinh tế mới, có tư cách pháp nhân; hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành nên tổ chức kinh tế, mà chỉ là cơ sở để các bên thỏa thuận hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, sản phẩm.

Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Đầu tư năm 2020, gồm những nội dung chủ yếu: Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư; mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh; đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên; tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng; sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Các bên tham gia hợp đồng có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật./.

 


[1] Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020.

[2] Điều 25 Luật Đầu tư năm 2020.

[3] Điều 26 Luật Đầu tư năm 2020.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.718.714
Lượt truy cập hiện tại 2.425