1. Hợp đồng góp vốn và tính pháp lý của tài sản góp vốn
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020, không nêu khái niệm “hợp đồng góp vốn” mà chí có khái niệm “góp vốn” được quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ vào công ty đã được thành lập”.
Để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ góp vốn thì cần phải lập hợp đồng góp vốn. Về mặt hình thức, nội dung, hợp đồng góp vốn phải tuân thủ các quy định chung về hợp đồng tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, tại thời điểm góp đủ số vốn đã cam kết, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, trong đó có nêu quyền và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp. Trường hợp có sự thay đổi về vốn điều lệ (do tăng hoặc giảm) thì doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Như vậy, việc góp vốn trong trường hợp này đã làm dịch chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của bên góp vốn thành của pháp nhân, tạo thành vốn điều lệ hoặc tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Do đó, bên nhận vốn góp (doanh nghiệp) có toàn quyền của chủ sở hữu đối với tài sản góp vốn theo quy định.
Để xác định hợp đồng góp vốn qua một số yếu tố chính: (1) mục đích là tạo thành vốn điều lệ của công ty (để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ vào công ty đã được thành lập); (2) bên nhận vốn góp là pháp nhân (công ty); bên góp vốn là thành viên công ty; (4) bên góp vốn được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; (5) trường hợp việc góp vốn dẫn đến sự thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh; (6) tài sản có đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng đất thì phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu/quyền sử dụng đất cho công ty; tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì có biên bản xác nhận việc giao nhận tài sản góp vốn (trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản).
2. Hợp đồng hợp tác và tính pháp lý của tài sản đóng góp
Điều 504 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng hợp tác: hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.
Việc xem xét hợp đồng hợp tác dựa trên các yếu tố sau đây:
- Đối tượng đóng góp: tài sản hoặc công sức.
- Chủ thể: Các bên cùng nhau đóng góp tài sản, công sức, nói cách khác, vai trò của các bên đóng góp tài sản là ngang nhau, không phân định thành bên góp tài sản và bên nhận tài sản.
- Mục đích: để cùng nhau thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng để xác định bản chất của hợp đồng hợp tác khác hoàn toàn với một số hợp đồng có dấu hiệu này, như: hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Hợp đồng cho thuê này không có sự cộng tác cùng nhau thực hiện công việc, cùng hưởng lợi và cùng chiụ trách nhiệm.
- Về tính pháp lý của tài sản đóng góp: Theo quy định tại Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác. Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.
Sở hữu chung theo phần được quy định tại Điều 209 Bộ luật Dân sự năm 2015: Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác 9 Điều 216 Bộ luật Dân sự năm 2015).
+ Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 1 Đều 217 Bộ luật Dân sự năm 2015).
+ Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình (khoản 1 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015).
+ Chia tài sản thuộc sở hữu chung: Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán./.