1. Thành lập, tổ chức, hoạt động của tổ hợp tác
Văn bản quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác là Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 về tổ hợp tác. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2019 và thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Hợp đồng hợp tác được quy định từ Điều 504 đến Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Việc thành lập tổ hợp tác do các cá nhân, pháp nhân có nhu cầu đứng ra vận động thành lập và tổ chức hoạt động. Các nội dung chính về thành lập và tổ chức, hoạt động tổ hợp tác được các thành viên tổ hợp tác bàn bạc và thống nhất, ghi vào hợp đồng hợp tác. Sau khi các thành viên tổ hợp tác ký tên vào hợp đồng hợp tác, tổ trưởng tổ hợp tác gửi thông báo về việc thành lập tổ hợp tác kèm theo hợp đồng hợp tác đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác dự định thành lập và hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc. Trường hợp tổ hợp tác thay đổi một hoặc một số nội dung về tên, địa chỉ, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, tổng giá trị phần đóng góp, người đại diện, số lượng thành viên của tổ hợp tác thì tổ hợp tác gửi thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác thành lập và hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi thay đổi. Ủy ban nhân dân cấp xã lập sổ theo dõi về việc thành lập và hoạt động của tổ hợp tác trên địa bàn của mình; cập nhật các thay đổi và biến động của tổ hợp tác theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác. Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ, bình đẳng trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Quyết định theo đa số trừ trường hợp hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan quy định khác. Cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Một trong những nội dung quan trọng của tổ hợp tác là phần đóng góp của thành viên tổ hợp tác. Theo đó, các thành viên tổ hợp tác có thể đóng góp bằng tài sản, công sức vào tổ hợp tác tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác. Việc xác định giá trị tài sản và công sức của thành viên tổ hợp tác góp vào tổ hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận hoặc do bên thứ ba xác định theo sự ủy quyền của một trăm phần trăm (100%) tổng số thành viên tổ hợp tác. Trường hợp thành viên tổ hợp tác cam kết đóng góp không góp đủ và không đúng hạn phần đóng góp đã cam kết thì xử lý theo quy định từ Điều 351 đến Điều 364 của Bộ luật dân sự năm 2015 về trách nhiệm dân sự.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP quy định chi tiết: Hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận, được lập thành văn bản, có chữ ký của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác. Nội dung hợp đồng hợp tác không được trái với quy định của luật có liên quan, bao gồm các nội dung: Mục đích, thời hạn hợp tác; họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân; tài sản đóng góp (nếu có); đóng góp bằng sức lao động (nếu có); phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp đồng hợp tác; quyền, nghĩa vụ của người đại diện (nếu có); điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên (nếu có); điều kiện chấm dứt hợp đồng.
Mẫu hợp đồng hợp tác được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP.
2. Giao dịch của tổ hợp tác
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, đại diện của tổ hợp tác trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là cá nhân hoặc pháp nhân được các thành viên tổ hợp tác đồng ý ủy quyền xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Nội dung, thời hạn và phạm vi của người đại diện theo ủy quyền của các thành viên tổ hợp tác do các thành viên tự thỏa thuận và phải được lập thành văn bản trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác, có chữ ký của người được ủy quyền và một trăm phần trăm (100%) tổng số thành viên tổ hợp tác. Trong trường hợp cần thiết, tổ hợp tác có trách nhiệm thông báo với các bên liên quan về người đại diện theo ủy quyền của các thành viên tổ hợp tác, nội dung, thời hạn và phạm vi đại diện. Người đại diện và các thành viên tổ hợp tác phải tuân thủ các quy định về đại diện từ Điều 138 đến Điều 143 của Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Những nội dung phải được biểu quyết trong tổ hợp tác bao gồm: (1) Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng hợp tác phải được sự tán thành của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác. (2) Việc định đoạt tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất chính khác; tài sản có giá trị lớn hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số giá trị tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác phải được sự tán thành của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác. (3) Các nội dung khác không thuộc trường hợp nêu trên được thông qua khi có ít nhất hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác tán thành, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác quy định khác.
3. Thành viên tổ hợp tác có được thế chấp tài sản của mình?
Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: Thế chấp tài sản là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (gọi là bên nhận thế chấp).
Tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân và được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Các thành viên thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Như vậy, tài sản đóng góp của các thành viên là tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác. Điều này được khẳng định tại Điều 22 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP.
Khoản 2 Điều 506 Bộ luật này có quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác: Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP quy định biểu quyết trong tổ hợp tác: Việc định đoạt tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất chính khác; tài sản có giá trị lớn hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số giá trị tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác phải được sự tán thành của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác.
Căn cứ các quy định trên, thành viên tổ hợp tác có quyền thực hiện thế chấp đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình nhưng phải được sự tán thành của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác./.