Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giám hộ và đại diện đối với người yếu thế
Ngày cập nhật 31/08/2022

Có thể gọi chung người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là những đối tượng yếu thế vì họ không có/chưa có khả năng nhận thức đầy đủ để có thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Đo đó, pháp luật quy định các chế định về đại diện và ủy quyền đối với nhóm đối tượng này.

 

1. Đại diện

Chế định đại diện được quy định tại Chương IX Bộ luật Dân sự năm 2015 (từ Điều 134 đến Điều 138). Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật). Trong đó, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (gọi chung là người được giám hộ) và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có người đại diện theo pháp luật.

2. Giám hộ

Chế định giám hộ được quy định từ Điều 46 đến Điều 65 Bộ luật Dân sự năm 2015. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự (gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (gọi chung là người được giám hộ).

Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

3. Mối quan hệ giữa đại diện và giám hộ

Có thể thấy đại diện theo pháp luật của cá nhân có mối quan hệ với giám hộ do cả đại diện và giám hộ đều được quy định đối với những trường hợp người yếu thế. Có thể phân biệt đại diện và giám hộ qua một số điểm cơ bản như sau:

Đặc điểm

Đại diện cho cá nhân

Giám hộ

Ghi chú

Đối tượng được đại diện/giám hộ

(1) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

(2) Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

(3) Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản (1) và khoản (2) nêu trên.

(4) Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(1) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

(2) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

(3) Người mất năng lực hành vi dân sự;

(4) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không thuộc đối tượng được giám hộ.

- Đối với trường hợp con chưa thành niên là người bình thường, cha mẹ bình thường thì không đặt ra vấn đề giám hộ giữa cha mẹ và con mà chỉ có đại điện.

Đối tượng thực hiện đại diện/giám hộ

Theo các trường hợp như nêu trên

Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện. Trong đó:

- Giám hộ đương nhiên: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên (Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015); người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Giám hộ cử: Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.

- Giám hộ chỉ định người giám hộ: Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.

 

Mục đích

Người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Để người giám hộ thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ

 

Căn cứ xác lập

Được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật 

Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Đối với các trường hợp đại diện cho người yếu thế thì theo quy định pháp luật và theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Số lượng người được đại diện/giám hộ

Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau

Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

 

Hạn chế trong giao dịch với chính người đại diện/giám hộ

Không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

 

 4. Một số vấn đề pháp lý

 - Trường hợp đại diện theo ủy quyền thì có được ủy quyền lại không nếu hành vi ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương (thể hiện qua hình thức Giấy ủy quyền)? Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định ủy quyền lại nhưng điều luật này thuộc mục về hợp đồng uỷ quyền, không thuộc quy định về đại diện.

  - Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giám sát việc giám hộ. Trong đó, người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý hiện nay là pháp luật chưa có quy định chi tiết về thủ tục đăng ký giám sát giám hộ tại UBND cấp xã.

  - Cha mẹ có phải là giám hộ của con chưa thành niên? Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 về đại diện theo pháp luật của cá nhân và Điều 47 về người được giám hộ, Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015 về vgười giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Cha mẹ chỉ là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự khi người này chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ.

- Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về việc pháp nhân có thể đại diện cho một cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, pháp luật chưa có các quy định cụ thể để thực hiện nội dung này.

- Đại diện giữa vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán: Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”.

Khi áp dụng quy định trên yêu cầu phải lưu ý đến Điều 35 của Luật này về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung: “1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. 2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản; b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Trong trường hợp này, vấn đề tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì giao dịch theo quy định tại Điều 32 có bị vô hiệu?

 - Đại điện giữa vợ/chồng khi không thể tự mình quản lý tài sản riêng

Khoản 2 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đinh năm 2014 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản”.

Như vậy, nếu vợ/chồng bị khuyết tật mà không thể tự quản lý tải sản riêng, cũng không ủy quyền thì bên còn lại chỉ được “quản lý” mà không được xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Điều này dẫn đến khó khăn khi cần xác lập, thực hiện các giao dịch đối với tài sản riêng của một bên vì lợi ích của chính người đó./.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.523
Lượt truy cập hiện tại 1.599