Tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất
Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập, dẫn đến cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch, như: nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia (mức độ thể hiện các dự án đầu tư trong quy hoạch tổng thể quốc gia); khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ ràng về nội hàm, khó triển khai trong thực tiễn vì chưa thống nhất trpng cách hiểu; trình tự lập quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên, trình tự phê duyệt quy hoạch; việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn do thiếu căn cứ, quan hệ giữa các quy hoạch ngang cấp; mức độ chi tiết của quy hoạch tỉnh, đã gây ra sự lúng túng, mất nhiều thời gian xử lý, làm chậm tiến độ xây dựng các quy hoạch.
Cụ thể: Điều 5 Luật Quy hoạch quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, không có quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi đó, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành lại được quy định tại khoản 9 Điều 3 về giải thích từ ngữ và quy định danh mục tại Phụ lục 2 dẫn đến sự mâu thuẫn, chưa thống nhất về quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Bên cạnh đó, danh mục quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của Bộ, ngành. Có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý; có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung giao thoa với nội dung quy hoạch ngành quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật dẫn đến khó khăn trong quá trình tra cứu và áp dụng pháp luật.
Điều 54 Luật Quy hoạch quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh các quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch mới. Tuy nhiên, đối với các điều chỉnh có phạm vi, quy mô nhỏ trong quá trình triển khai dự án thì việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là khó tránh khỏi nếu thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại các Điều 51, 52, 53 và Điều 54 Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, kinh phí trong hoạt động quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công, thủ tục phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động quy hoạch, đặc biệt là với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Luật Quy hoạch chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác, nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019) đã bị chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định.
Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí tổ chức phiên họp của Hội đồng thẩm định nên việc vận dụng Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng dự toán chi phí các phiên họp của Hội đồng thẩm định là chưa phù hợp.
Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí thuê tư vấn phản biện độc lập. Chưa ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính để lập quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Quy hoạch.
Chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, chuyên ngành về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật theo quy định tại khoản 8 Điều 21 Luật Quy hoạch.
Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng dẫn đến sự thiếu đồng bộ về nội dung của các loại quy hoạch này trên cùng một đơn vị lãnh thổ. Trong khi đây là những quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Một số quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung.
Việc thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước còn bất cập do các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành chưa được ban hành đầy đủ. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, 4, 5, Điều 10 Luật Quy hoạch năm 2017 thì Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ chế, chính sách nêu trên vẫn chưa được Trung ương ban hành. Vì vậy, việc huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch chưa được đẩy mạnh. Luật Quy hoạch quy định: Dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh là một nội dung thuộc nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh; thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thuộc Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, việc thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền của địa phương. Vấn đề này đã gây ra sự chậm trễ trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh.
Kiến nghị giải pháp hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
1. Quy hoạch tỉnh mang tính chiến lược cho cả một thời kỳ, là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Điều đó đòi hỏi đơn vị tư vấn phải có đủ chuyên gia ở mọi ngành, lĩnh vực với yêu cầu về năng lực tổng hợp, trình độ, chuyên môn rất cao để đảm bảo có thể triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, đề xuất nên có cơ chế cho phép đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị tư vấn tham gia thực hiện Quy hoạch tỉnh để các địa phương có thể lựa chọn tư vấn có năng lực cao, cũng như không phải cạnh tranh lẫn nhau trong việc lựa chọn một số ít các đơn vị tư vấn trong nước đáp ứng quy định.
2. Ngày 22/01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 373/BKHĐT-QLQH hướng dẫn về cách thức và mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh. Dù vậy, tích hợp quy hoạch là một nội dung khá mới và khó tiếp cận đối với các địa phương. Chính vì vậy, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ làm công tác quy hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Luật quy hoạch nói chung và quản lý triển khai thực hiện tích hợp quy hoạch hiệu quả nói riêng.
3. Để hạn chế việc phải điều chỉnh quy hoạch khi Quy hoạch tỉnh chưa phù hợp với Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm công bố cho các địa phương trước về định hướng phát triển quốc gia, vùng thời kỳ 2021-2030 để làm cơ sở hoàn thiện quy hoạch tỉnh một cách phù hợp.
4. Theo Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 sửa đổi Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch: “việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu”. Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì việc chỉ định thầu chỉ áp dụng đối với giá gói thầu tư vấn dưới 500 triệu đồng. Đối với gói thầu tư vấn trên 500 triệu đồng thực hiện đấu thầu rộng rãi.
Hiện nay, phần lớn các đồ án quy hoạch đều có giá trị gói thầu tư vấn lập quy hoạch trên 500 triệu đồng. Việc áp dụng các quy định về đấu thầu rộng rãi sẽ kéo dài thời gian hoàn thành đồ án quy hoạch, ảnh hưởng lớn đến quá trình kêu gọi đầu tư và phát triển đô thị. Kiến nghị xem xét và đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu lập quy hoạch (đề xuất hạn mức 1 tỷ đồng) nhằm đẩy nhanh công tác lập quy hoạch.
5. Về việc lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án có quy mô xây dựng thực tế dưới 5ha
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Khoản 5, Điều 10, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, các trường hợp dự án đầu tư xây dựng do 01 chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (2ha đối với dự án nhà ở chung cư) thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều dự án với phạm vi thực hiện lớn hơn 5ha, tuy nhiên diện tích các hạng mục xây dựng mới là rất thấp. Ví dụ cụ thể như: Dự án xây dựng, chỉnh trang các khu trường học, bệnh viện (chỉ xây dựng mới một số hạng mục; phần lớn diện tích giữ nguyên theo hiện trạng); Dự án sản xuất nông lâm ngư nghiệp (chỉ xây dựng một số khu nhà kho, nhà xưởng và nhà điều hành; phần lớn diện tích là đất sản xuất); Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (chỉ xây dựng một số hạng mục điều hành, nhà kỹ thuật; phần lớn diện tích là sân bãi và công trình hạ tầng như kênh mương, lưới điện, sân phơi bùn, bể ngầm...).
Kiến nghị quy định hướng dẫn cụ thể đối với việc lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án nói trên nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định cho phép lập tổng mặt bằng đối với các dự án tại khu vực nông thôn để đẩy nhanh quy trình thực hiện dự án.
6. Về điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn: Theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn không có nội dung về điều chỉnh cục bộ quy hoạch nông thôn mới. Vì vậy, kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng xã để có cơ sở triển khai kịp thời việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
7. Về trình tự thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Tại khoản 12 Điều 28 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch (Sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Xây dựng năm 2014) quy định về nội dung: “Tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Luật này”.
Kiến nghị đối với các khu vực đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các khu vực đã giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án khu chức năng (không có dân cư sinh sống) không quy định nội dung tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư như khoản 12 Điều 28 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.
8. Kiến nghị Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền giữa 2 nước Việt Nam – Lào để các cấp, các ngành, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện.
9. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị và nội
dung quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết
thi hành:
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, xây dựng; việc
sửa đổi, bổ sung Luật này phải khắc phục được các vướng mắc, bất cập, bảo
đảm sự thống nhất giữa các luật có liên quan.
- Quy hoạch đô thị hiện nay bao gồm: Quy hoạch chung, Quy hoạch phân
khu, Quy hoạch chi tiết; do đó, cần bổ sung nội dung về nguyên tắc áp dụng (sử
dụng) đồ án Quy hoạch để xác định chức năng của khu đất khi 01 khu đất đồng
thời bị ảnh hưởng bởi 03 đồ án Quy hoạch nêu trên;
- Cần bổ sung thêm một số Quy định về việc điều chỉnh, phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng (tổ chức lấy ý kiến).
- Đối với quy định về đối tượng và phân cấp phê duyệt quy hoạch: đề nghị quy định thêm về đối tượng tổ chức lập quy hoạch thuộc nông thôn đối với các đối tượng ngoài khu chức năng, ngoài điểm dân cư nông thôn và hướng dẫn yêu cầu tổ chức lập dự án.
- Đối với chi phí quy hoạch: đề nghị điều chỉnh cách tính chi phí đối với các đồ án quy hoạch có quy mô nhỏ hơn quy mô tối thiểu bằng cách lấy quy mô diện tích của đồ án nhân với đơn giá tối thiểu của từng loại đồ án.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch kiến nghị rà soát lại các luật và hướng dẫn chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn cho phù hợp.