1. Vấn đề thừa kế thế vị khi có yếu tố “con nuôi”
a) Xem xét mối quan hệ “con nuôi”
- Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 nêu rõ mục đích nuôi con nuôi là “nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”.
Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi”
Khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 về hệ quả của việc nuôi con nuôi quy định : «Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan».
Theo quy định taij Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi thì một trong những căn cứ để chấm dứt là «1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi».
Như vậy, bản chất của mối quan hệ “con nuôi” là hướng đến việc nuôi dưỡng, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Do đó, mối quan hệ được pháp luật quy định xoay quanh mối quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi mà không có sự ràng buộc với các thành viên gia đình khác của cha, mẹ nuôi.
- Khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.
Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi: “1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi”.
Tại các điều quy định về quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Điều 104 (Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu), 105 (Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em), 106 (Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột); quy định về cấp dưỡng: Điều 112 (Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em), 113 (Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu), 114 (Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột). Các điều luật không nêu rõ mối quan hệ này có được xác định với cả bao gồm “con nuôi” hay không. Tuy nhiên, xem xét cả quy định tại khoản 3 Điều 68 và Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì pháp luật chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi.
Từ các quy định của Luật Nuôi con nuôi và Luật Hôn nhân và gia đình, thì con nuôi chỉ có mối liên hệ với cha, mẹ nuôi và không có mối quan hệ về quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng nhau đối với những thành viên thuộc gia đình của bố, mẹ nuôi (bố mẹ của cha, mẹ nuôi, các con của cha, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha mẹ nuôi, chú, bác, cô dì, cậu ruột của cha mẹ nuôi,...).
b) Xác định mối quan hệ thừa kế thế vị có yếu tố “con nuôi”
- Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ quy định: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 (Người thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (Thừa kế thế vị) của Bộ luật này.
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật thì con nuôi chỉ được quy định tại hàng thừa kế thứ nhất “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”, nghĩa là giữa cha mẹ nuôi với con nuôi.
Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Ví dụ: Người để lại di sản là A (đời thứ nhất); con của người để lại di sản gọi là B (đời thứ 2); cháu là C (đời thứ 3); chắt là D (đời thứ tư). Mối quan hệ thừa kế thế vị diễn ra trong 4 đời.
Đối với trường hợp thừa kế thế vị có liên quan đến yếu tố “con nuôi” có 02 quan điểm cần phân tích như sau:
Quan điểm thứ nhất: Trong quan hệ con nuôi, mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ đặt ra giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, không đặt ra giữa “ông – cháu – chắt”. Từ quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể hiểu: đứng ở góc nhìn của người ông/bà khi gọi “cháu”, “chắt” thì đó phải là “cháu”, “chắt” ruột vì quan hệ ông/bà – cháu - chắt không đương nhiên phát sinh từ yếu tố “con nuôi’. Do đó, cần phân định rõ các trường hợp:
(1) Trường hợp con nuôi chết trước người để lại di sản là cha, mẹ nuôi, đồng thời con đẻ của người con nuôi cũng đã chết trước người để lại di sản (nhưng chết sau cha hoặc mẹ) thì cháu của người con nuôi đó (tức là chắt của người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà cha mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.
(2) Trường hợp vừa có quan hệ huyết thống vừa có quan hệ nuôi dưỡng giữa các đời: Cần hiểu rằng con của một người không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người đó thì thừa kế thế vị không được đặt ra. Ví dụ: quan hệ giữa A, B, C, D, trong đó B là con đẻ của A, nhưng nếu C là con nuôi của B thì C không đương nhiên là cháu của A, và con của con nuôi không đương nhiên trở thành chắt của cha, mẹ người đó.
Tóm lại, với quan điểm trên: Trong trường hợp có yếu tố “con nuôi” thì chỉ xác định đối với đời thứ nhất và thứ hai. Từ đời thứ ba trở đi có yếu tố “con nuôi” thì không đương nhiên thừa kế thế vị.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Bản chất của thừa kế thế vị là thay thế vị trí để nhận thừa kế. Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “cháu” hoặc “chắt” thay thế vị trí của cha/mẹ để hưởng phần di sản mà cha/mẹ của cháu, chắt được hưởng nếu còn sống. Nói cách khác, “cháu” và “chắt” ở đây chỉ là thay thế vị trí của cha mẹ. Do đó, con nuôi không đương nhiên là “cháu”, “chắt” của người để lại di sản nhưng là con (nuôi) của người mà họ “thế vị” để nhận phần di sản mà nếu còn sống thì cha/mẹ của họ được nhận (ở đây không phải xác định theo hàng thừa kế nên không đặt ra vấn đề có phải là “cháu”, “chắt” của người để lại di sản). Do đó, thừa kế thế vị có yếu tố “con nuôi” được đặt ra trong cả 04 đời.
2. Thừa kế thế vị khi có yếu tố “con riêng”
Cũng tương tự như vấn đề con nuôi, bản chất của mối quan hệ giữa con riêng vơí bố dượng, mẹ kế cũng là mối quan hệ nuôi dưỡng, không có quan hệ huyết thông.
Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế quy định: Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 (Thừa kế thế vị) và Điều 653 (Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ) của Bộ luật này.
Đối với trường hợp thừa kế thế vị, cần xác định các quan hệ:
(1) Con riêng của vợ, của chồng được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì con đẻ của người con riêng (cháu) được thừa kế thế vị.
(2) Con riêng của vợ, của chồng được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì không đương nhiên được thừa kế thế vị, chỉ được thế vị nếu được người để lại di sản coi như cháu ruột.
Qua các phân tích về thừa kế thế vị, các quan điểm áp dụng pháp luật có sự khác nhau và chưa thống nhất. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn áp dụng pháp luật trong trường hợp này được thống nhất./.