Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trường hợp hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế
Ngày cập nhật 17/08/2022

Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005, 2015 đều có quy định về thời hiệu thừa kế. Đây là khoảng thời gian để những người có liên quan khởi kiện về thừa kế. Trường hợp hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế thì di sản sẽ được xử lý như thế nào?

 

1. Quy định pháp luật về giải quyết di sản khi hết thời hiệu thừa kế

- Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 36). Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế đều không đề cập đến phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu thừa kế.

- Bộ luật Dân sự năm 1995 qui định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm,  kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 648). Bộ luật Dân sự năm 1995 không quy định phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu khởi kiện.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, tại tiểu mục 2.4 mục 2 Phần I của Nghị quyết quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế: 

“a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo Ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản”.

Như vậy, phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế, tât nhiên là phải thảo mãn các điều kiện nêu trên.

- Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 645). Bộ luật không quy định việc giải quyết di sản khi hết thời hiệu khởi kiện.

- Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế tại Điều 623 như sau:

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản, cụ thể: (1) di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó; (2) trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu; (3) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người thừa kế đang quản lý di sản, không có người chiếm hữu.

Với phương án thứ nhất, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản; phương án thứ hai, di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu; phương án thứ ba, di sản thuộc về Nhà nước.   

2. Một số vấn đề trao đổi

Từ quy định về phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, một số vấn đề pháp lý liên quan cần được trao đổi, làm rõ thêm đối với hai trường hợp: (1) Di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó; (2) trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu.

a) Trường hợp di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó

Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

- Chủ thể được hưởng quyền đảm bảo các điều kiện:

+ Người thừa kế.

+ Đang quản lý di sản đó.

Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Tố tụng Dân sự, có hướng dẫn: “Trường hợp nhiều người thừa kế đang cùng quản lý di sản hoặc mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau mà có tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế thì Tòa án có được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản hay không ?

Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó...”.

Người thừa kế đang quản lý di sản phải được hiểu là người thừa kế đang chiếm hữu và sử dụng di sản hợp pháp theo quy định của BLDS. Nếu có nhiều người thừa kế cùng nhau chiếm hữu và sử dụng di sản thì di sản thuộc sở hữu chung của họ.Nếu mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau thì Tòa án phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế đang quản lý di sản; quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản trước đó được xem xét, đánh giá trong từng vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật.”

 - Theo quy định trên, thì “di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Vậy “thuộc về” này có phải là “thuộc quyền sở hữu” không?

Nếu hiểu “thuộc về” đồng nghĩa với “thuộc quyền sở hữu” thì đương nhiên những người thừa kế khác mất quyền đối với di sản thừa kế hết thời hiệu. Trong khi đó, khoản 2 Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định “việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Ngoài ra, vấn đề đặt ra trong cách dùng thuật ngữ, đó là: Cũng tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Nếu khẳng định di sản khi hết thời hiệu khởi kiện là thuộc quyền sở hữu của người thừa kế đang quản lý di sản đó thì Điều luật phải nêu rõ là “thuộc quyền sở hữu” tương tự như trường hợp “thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu”. Việc không khẳng định mà chỉ nêu “thuộc về” rõ ràng còn đặt ra những vấn đề pháp lý cần được làm rõ.

Từ thực tế đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất pháp luật.

b) Trường hợp di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu

Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì phương án giải quyết tiếp theo là di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự.

Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật quy định: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, việc xác định chủ thể là “người đang chiếm hữu” phải đáp ứng các yêu cầu: (1) Người này không phải là người thừa kế; (2) việc chiếm hữu phải ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.548.523
Lượt truy cập hiện tại 4.101