Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số quy định thiếu thống nhất giữa Bộ luật dân sự với quy định của các luật liên quan
Ngày cập nhật 29/01/2013

Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Bộ luật Dân sự giữ vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội là các giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. BLDS đã phát huy vai trò to lớn, đáp ứng yêu cầu của đất nước cũng như phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước  trên tinh thần quán triệt các Nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, đã bộc lộ những quy định thiếu thống nhất với quy định của các luật có liên quan.

Bộ luật dân sự 2005 với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000:
- Điều 18 BLDS quy định “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên” nhưng tại Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định độ tuổi kết hôn đối với nam từ hai mươi tuổi trở lên, đối với nữ từ mười tám tuổi trở lên. Như vậy, theo quy định này thì chỉ cần nam bước sang tuổi hai mươi, nữ bước sang tuổi 18 là đủ tuổi kết hôn. Điều 20 BLDS quy định “Người từ đủ mười sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn không những tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật mà còn hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch, hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (phải có người đại diện).
- Điều 63 BLDS quy định cử người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ. Tuy nhiên, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 lại quy định trong trường hợp anh, chị, em ruột cần được giám hộ thì anh, chị, em đã thành niên có năng lực hành vi dân sự thỏa thuận cử một người trong số họ có đủ điều kiện làm người giám hộ. Như vậy, đã có sự mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình trong việc cử người giám hộ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.
Bộ luật dân sự 2005 với  Luật Đất đai và Luật Nhà ở năm 2005:
- Sự thiếu đồng bộ về thời điểm chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở:
Điều 168 BLDS quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản “1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Điều 692 BLDS quy định việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, Khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở quy định “Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân hoặc đã giao nhận nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng đối với giao dịch về nhà ở mà một bên là tổ chức kinh doanh nhà ở hoặc từ thời điểm mở thừa kế trong trường hợp nhận thừa kế nhà ở”.
Như vậy, cùng là một khối tài sản thống nhất là nhà và đất nhưng thời điểm chuyển quyền giữa đất và nhà trên đất lại khác nhau. Quy định như vậy đã gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
- Về chủ thể hộ gia đình: Theo quy định tại Điều 107 BLDS thì giao dịch do chủ hộ đại diện sẽ có hiệu lực đối với cả hộ gia đình (phát sinh quyền và nghĩa vụ của cả  hộ gia đình), trong khi khoản 2 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định khi chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình phải được tất cả thành viên đủ năng lực hành vi dân sự.
- Về tài sản thế chấp hình thành trong tương lai: Điều 342 BLDS quy định “Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai”. Quy định này trái với quy định tại Điều 91 và 92 của Luật Nhà ở năm 2005, đó là điều kiện thế chấp phải có “Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật” và bên thế chấp phải là “chủ sở hữu nhà ở” và trái với một trong những nội dung đã được quy định tại Điều 5 Luật Công chứng năm 2006 về “Lời chứng của công chứng viên”, là “đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật”.
Bộ luật dân sự năm 2005 với Luật Thương Mại năm 2005:
- Về chế định “miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng”: Theo các quy định tại Khoản 2, 3 Điều 302, Khoản 6 Điều 402 BLDS có 03 trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, bao gồm: Sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm và thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng. Trong khi đó, khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 lại quy định 04 căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng bao gồm: Thỏa thuận của các chủ thể trong hợp đồng, sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật Thương mại liên quan tới vấn đề miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng có sự không thống nhất với nhau.
- Theo quy định tại Điều 480 BLDS, hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời gian còn bên thuê phải trả tiền thuê. Theo quy định tại Điều 269 Luật  Thương mại 2005, cho thuê hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó một bên chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hóa (gọi là bên cho thuê) cho bên khác (gọi là bên thuê) trong thời gian nhất định để nhận tiền thuê. Có thể nhận thấy rằng, mặc dù cách sử dụng từ ngữ không giống nhau nhưng bản chất là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm và mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 422 BLDS và tại các Điều 301 và 307 của Luật Thương mại 2005 hoàn toàn không có sự thống nhất.
Bộ luật dân sự năm 2005 với Luật Doanh nghiệp năm 2005:
- Khoản 2 Điều 422 BLDS quy định mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận nhưng tại Điều 301 Luật Thương mại lại quy định mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
- Quy định không hợp lý về quyền của bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Khoản 4 Điều 730 BLDS quy định bên góp vốn có quyền "Huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên nhận góp vốn không thực hiện việc thanh toán phần lợi nhuận đúng thời hạn hoặc thanh toán không đầy đủ." Khi góp vốn vào doanh nghiệp thì quyền sử dụng đất trở thành tài sản chung của doanh nghiệp, bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và bên góp vốn bằng các tài sản khác đều có quyền và nghĩa vụ như nhau tương ứng với phần vốn góp trong doanh nghiệp, việc hủy bỏ hợp đồng đồng nghĩa với việc rút vốn, làm giảm vốn điều lệ phải tuân theo quy định về quản lý và điều hành doanh nghiệp. Điều 60 Luật Doanh nghiệp quy định theo quyết định của Hội đồng thành viên, công ty có thể giảm vốn điều lệ bằng hình thức "Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn hai năm, kể từ ngày đăng ký kinh doanh; đồng thời vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên". Như vậy, việc rút vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp là rất chặt chẽ và không thống nhất với BLDS.
Bộ luật dân sự 2005 với Luật Cư trú:
Theo quy định tại Điều 107 BLDS thì chủ hộ gia đình là người đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự, vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. Tuy nhiên, Điều 25 Luật Cư trú quy định trong trường hợp hộ gia đình không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên, hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ. Như vậy, theo Luật Cư trú thì người dưới 18 tuổi cũng có thể làm chủ hộ gia đình, điều này mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự. Trên thực tế, nếu chủ hộ dưới 18 tuổi theo Luật Cư trú sẽ không thực hiện được các giao dịch dân sự, ngoại trừ có tài sản riêng bảo đảm thực hiện giao dịch dân sự do mình thiết lập.
Bộ luật dân sự 2005 với Luật kinh doanh bất động sản:
- Điều 1 Phạm vi điều chỉnh Luật kinh doanh bất động sản quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản và giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Vấn đề này đã thể hiện tính không thống nhất và hợp lý bởi những giao dịch bất động sản là hành vi dân sự được quy định cụ thể trong Phần thứ ba: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự của BLDS.
Khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản quy định tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của Pháp luật. Điều 3 Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 6 (sáu) tỷ đồng Việt Nam. Trong khi đó theo quy định của Bộ luật Dân sự thì các bên khi giao dịch mua bán bất động sản không cần điều kiện trên. Rõ ràng có sự khác biệt về điều kiện trong trường hợp giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản là việc mua bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản giữa tổ chức, cá nhân không kinh doanh bất động sản (không cần vốn pháp định) với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (phải có vốn pháp định là 6 tỷ đồng).
Bộ luật dân sự 2005 với Luật kinh doanh bảo hiểm:
BLDS và Luật kinh doanh bảo hiểm không thống nhất trong quy định trả tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết trong bảo hiểm con người. Điều 578 BLDS năm 2005 quy định “Trong trường hợp bảo hiểm tính mạng thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người đại diện theo uỷ quyền của họ; nếu bên được bảo hiểm chết thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm". Tuy nhiên, khoản 6,7,8 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm lại quy định, người thụ hưởng là người được bên mua bảo hiểm chỉ định nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người và người thụ hưởng có thể không phải là người được bảo hiểm. Như vậy, nếu người được bảo hiểm chết, theo quy định của BLDS, số tiền bảo hiểm sẽ trả cho người thừa kế của người được bảo hiểm, còn theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, số tiền bảo hiểm sẽ trả cho người thụ hưởng, và có thể họ không phải là người (hoặc những người) thừa kế của người được bảo hiểm.
Để xác định phạm vi, nội dung cụ thể của BLDS và của các luật chuyên ngành trong việc điều chỉnh các mối quan hệ dân sự, cần nghiên cứu và xử lý một cách chính xác, khoa học mối quan hệ giữa BLDS với các luật chuyên ngành và giữa các đạo luật chuyên ngành với nhau nhằm bảo đảm cho hệ thống pháp luật dân sự thống nhất, đồng bộ./.
 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.547.314
Lượt truy cập hiện tại 18.153