Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hành vi vi phạm hoạt động hành nghề công chứng bị xử lý hành chính: Xác định hiệu lực của bản hợp đồng, giao dịch đã được công chứng như thế nào?
Ngày cập nhật 01/09/2021

Thực tế thời gian qua cho thấy, hợp đồng, giao dịch đã được công chứng nhưng khi phát hiện có hành vi vi phạm hoạt động hành nghề công chứng thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến việc nội dung hợp đồng, giao dịch đã được công chứng có dấu hiệu “chưa phù hợp” thì xử lý như thế nào? Nhiều trường hợp cơ quan chức năng đã “ách” lại việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến hợp đồng, giao dịch có hành vi bị xử lý vi phạm hành chính. Bài viết này nêu lên quan điểm của tác giả trong việc hiểu và áp dụng pháp luật để giải quyết trường hợp nêu trên một cách phù hợp.

 

1. Công chứng và giá trị văn bản công chứng

Trước hết, cần hiểu rõ công chứng và sự khẳng định về giá trị của văn bản công chứng được quy định tại Luật Công chứng.

- Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.

- Điều 5 Luật Công chứng năm 2014  khẳng định giá trị pháp lý của văn bản công chứng:

“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.

2. Công chứng trong quan hệ pháp luật hành chính

Đề điều chỉnh lĩnh vực công chứng, Nhà nước ban hành Luật Công chứng đề ra các quy định tạo hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng. Luật Công chứng cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và cá nhân, tổ chức (Điều 7). Trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể tại các Điều 71, 72, 73, 74, 75 Luật Công chứng năm 2014:

-  Xử lý vi phạm đối với công chứng viên: Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng: Tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Xử lý vi phạm đối với người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng: Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng hoặc cản trở công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp: Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Xử lý vi phạm đối với người yêu cầu công chứng: Người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong mối quan hệ hành chính, trường hợp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong đó, hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

 Hình thức xử phạt chính: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền; c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

 Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

 Biện pháp khắc phục hậu quả gồm:

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

- Buộc tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực;

- Buộc thu hồi và huỷ bỏ giấy tờ, văn bản, tài liệu, chứng cứ giả;

- Buộc tổ chức hành nghề công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng, văn bản đã được chứng thực;

- Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bản dịch đã được chứng thực;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

Các nhóm hành vi bị xử phạt trong lĩnh vực công chứng bao gồm:

- Hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên; đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên.

- Hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.

- Hành vi vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản.

- Hành vi vi phạm quy định của công chứng viên về công chứng bản dịch.

- Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng.

- Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

- Hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

Đối với các hành vi bị xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng là “Buộc tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực”, chứ không phải là thu hồi hay hủy bỏ các văn bản này. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định về giá trị của văn bản công chứng và bản chất của hợp đồng, giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

3. Công chứng trong quan hệ pháp luật dân sự

Hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng, không tuân thủ các quy định của pháp luật công chứng nhằm bảo đảm trật tự quản lý nhà nước thì bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, bản chất hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chính là giao dịch dân sự và được xem xét dưới góc độ của quan hệ pháp luật dân sự, văn bản điều chỉnh trực tiếp là Bộ luật Dân sự năm 2015.

a) Hiệu lực của giao dịch dân sự

- Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (Điều 119).

- Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

- Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác (Điều 122).

Như vậy, hợp đồng, giao dịch dân sự thuộc nhóm quan hệ pháp luật dân sự. Để hợp đồng, giao dịch dân sự có hiệu lực thì phải bảo đảm các điều kiện như viện dẫn ở trên. Bên cạnh đó, hợp đồng, giao dịch được công chứng thì được đảm bảo giá trị theo như quy định tại Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014. Vậy điều này có mâu thuẫn?

Bản chất của quan hệ dân sự là tôn trọng, đề cao sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Và nguyên tắc cơ bản trong hành nghề công chứng là công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng. Điều này không có nghĩa, các hợp đồng, giao dịch luôn luôn đúng hoặc đều sẽ được thực thi. Tuy nhiên, khi phát hiện hợp đồng, giao dịch không đảm bảo các điều kiện có hiệu lực thì ai, cơ quan nào có quyền tuyên bố vô hiệu?

b) Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng, giao dịch dân sự vô hiệu?

- Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền:

“1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 (áp dụng tập quán) và Điều 6 (áp dụng tương tự pháp luật) của Bộ luật này được áp dụng”.

Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 quy định người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:

“Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.

Với các quy định nêu trên, khẳng định rằng, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng, giao dịch dân sự (trừ trường hợp pháp luật quy định bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính) cũng như văn bản công chứng là vô hiệu. Do đó, trong quan hệ hành chính, một hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng bị xử phạt nhưng vẫn không cho phép cơ quan hành chính nhà nước xem xét về hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng.

c) Vậy nếu hợp đồng, giao dịch hoặc văn bản công chứng có dấu hiệu của sự “vô hiệu” nhưng không ai đề nghị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì sẽ như thế nào?

Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

“1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125 (Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện), 126 (Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn), 127 (Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép), 128 (Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình) và 129 (Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức) của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 (giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội) và Điều 124 (Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo) của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”.

Điều 4 Luật Công chứng năm 2014 quy định nguyên tắc hành nghề công chứng: 1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. 2. Khách quan, trung thực. 3. Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. 4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng”.

Điều 76 Luật Công chứng năm 2014 quy định giải quyết tranh chấp: Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó”.

Như vậy, có thể nói rằng, hợp đồng, giao dịch, nếu không thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 02 năm theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu hết thời hạn này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực. Trường hợp hợp đồng, giao dịch được công chứng “có dấu hiệu vô hiệu” được thực thi trên thực tế dẫn đến phát sinh hậu quả, tranh chấp thì giải quyết theo Điều 76 Luật Công chứng năm 2014, và về nguyên tắc, thì công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.

Tóm lại, để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trong trường hợp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng có dấu hiệu của sự “chưa phù hợp” thì cần xác định rõ 02 mối quan hệ pháp luật trong trường hợp này, đó là: thứ nhất, mối quan hệ pháp luật hành chính để xử lý hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước về công chứng; thứ hai, mối quan hệ pháp luật dân sự để xác định bản chất nội dung hợp đồng, giao dịch dân sự. Trên cơ sở đó, áp dụng các quy định giải quyết, xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng đối với hợp đồng, giao dịch đã được công chứng trong trường hợp này một cách hợp lý.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.523.696
Lượt truy cập hiện tại 3.856