1. Biển hiệu nhằm giới thiệu tên của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh
a) Quy định tại Luật Doanh nghiệp
Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tên doanh nghiệp:“Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành”.
Ngoài quy định trên, Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan không quy định cụ thể phương thức thể hiện tên doanh nghiệp để gắn tại trụ sở.
b) Quy định tại Luật Quảng cáo
Theo quy định tại Điều 17 Luật Quảng cáo năm 2012, các phương tiện quảng cáo bao gồm: 1. Báo chí. 2. Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác. 3. Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác. 4. Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo. 5. Phương tiện giao thông. 6. Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hóa, thể thao. 7. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo. 8. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, biển hiệu nói chung là một phương tiện quảng cáo.
- Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định cụ thể về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:
“1. Biển hiệu phải có các nội dung sau:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Địa chỉ, điện thoại.
2. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này.
3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”
- Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo:
“1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài”.
Theo các quy định trên,Luật Quảng cáo chỉ quy định chung về hình thức thể hiện của biệu hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh với tư cách là một phương thức quảng cáo. Không quy định cụ thể về biển hiệu là tên của doanh nghiệp.
c) Quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế)
- Điều 22 Quy chế quy định các hình thức biển hiệu như sau: Việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết, đặt biển hiệu, tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn néon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không phải xin phép nhưng phải tuân theo những quy định tại Điều 23 Quy chế này.
- Điều 23 Quy chế quy định về mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu:
“1. Mỹ quan, chữ viết biển hiệu:
a) Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan;
b) Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
2. Vị trí biển hiệu:
Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
3. Nội dung biển hiệu:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;
d) Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);
đ) Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có);
e) Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào”.
d) Áp dụng quy định pháp luật về biển hiệu tên gọi của tổ chức, cá nhân
Từ các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quảng cáo, Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP nêu trên, có thể hiểu biển hiệu tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh là nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, thể hiện như sau:
Về căn cứ pháp lý: căn cứ trực tiếp điều chinh tên của doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Về hình thức thể hiện tên gọi nhằm giới thiệu doanh nghiệp được quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP. Ngoài ra, một số nội dung tại Quy chế chưa được quy định cụ thể thì có thể áp dụng quy định chung về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh (với tư cách là một trong những phương thức quảng cáo) tại Luật Quảng cáo, cụ thể như sau:
- Vị trí đặt biển hiệu: Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp (theo khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc (theo Quy chế).
- Hình thức biển hiệu: Việc viết, đặt biển hiệu tại trụ sở, nơi kinh doanh của được thể hiện dưới các hình thức: bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn néon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác (theo Quy chế).
- Nội dung trên biển hiệu: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có); trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào (theo Quy chế).
- Chữ viết trên biển hiệu: Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam (theo Quy chế).
Khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt (theo Luật Quảng cáo).
- Kích thước biển hiệu: đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu (theo Luật Quảng cáo).
- Quy định hạn chế: Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng (theo Luật Quảng cáo).
- Việc đặt biển hiệu trong trường hợp này không phải xin phép cơ quan chức năng (theo Quy chế).
Về xử phạt vi hành chính:
- Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại khoản 2, 3 Điều 32 như sau:
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: e) Buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này”;
- Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, tại Đ iều 48 quy định xử phạt đối với hành vi phạm quy định về biển hiệu:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại;
b) Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;
b) Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;
c) Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
d) Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
đ) Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;
b) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;
c) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.
2. Biển hiệu quảng cáo
Ngoài biển hiệu nhằm giới thiệu tên của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được gắn sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân, bảo đảm các quy định nêu tại mục 1 này, thì các biển hiệu còn lại là biển hiệu quảng cáo, như: biển hiệu chỉ đường của doanh nghiệp,...
Căn cứ pháp lý: Luật quảng cáo 2012; Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật quảng cáo 2012; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL hướng dẫn luật quảng cáo và nghị định 181/2013/NĐ-CP; Thông tư số 35/2018/TT-BVHTTDL ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL, Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL, Thông tư số 11/2014/TT-BVHTTDL và Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2019.
- Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
- Theo Điều 17 Luật Quảng cáo năm 2012, biển hiệu là một trong các phương tiện quảng cáo.
- Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định cụ thể về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Theo Điều 31 Luật Quảng cáo năm 2012, việc cấp giấy phép thực hiện như sau:
Việc xây dựng biển hiệu độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây: Xây dựng biển hiệu có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn.
- Ngoài ra, phương tiện quảng cáo ngoài trời đứng độc lập hoặc gắn/ốp vào công trình xây dựng phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời” được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ Xây dựng.
3. Cần làm rõ “biển hiệu” và “bảng quảng cáo”
Nhìn chung, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ thế nào là “biển hiệu”, thế nào là “bảng quảng cáo”. Có thể hiểu rằng, nếu một bảng có nội dung thể hiện tên gọi, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thì đó là biển hiệu?
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề nêu trên để tránh sự nhầm lẫn giữa “biển hiệu” và “bảng quảng cáo” theo hướng: biển hiệu giới thiệu tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và gắn tại trụ sở tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP. Đối với các trường hợp còn lại nên xem là “bảng quảng cáo”.