I. Sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự An toàn giao thông đường bộ
Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thiết lập và duy trì trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giải quyết được những nguyên nhân cơ bản, sâu xa của thực trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư, xác định: Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trật tự, an toàn giao thông.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu chính và đối tượng điều chỉnh khác nhau (trật tự, an toàn giao thông bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông). Luật chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm phổ biến là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáng báo động; hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã làm chết trên 100 nghìn người, làm bị thương trên 330 nghìn người, trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời, để lại gánh nặng cho xã hội và cho mỗi gia đình. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… Đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: Trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu…; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự An toàn giao thông đường bộ cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá khách quan, thận trọng xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Quá trình xây dựng Luật đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, thành viên Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất. Việc xây dựng 2 dự án Luật sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ngành Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
II. Một số nội dung cần nghiên cứu, trao đổi tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự An toàn giao thông đương bộ
- Tại Mục 2 Chương III dự thảo Luật Bảo đảm trật tự An toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là dự thảo Luật), quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật chia Giấy phép lái xe thành 11 hạng khác nhau thay vì 15 hạng như hiện nay, trong đó có 11 loại Giấy phép lái xe bị thay đổi, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe. Cụ thể, khoản 2 Điều 42 dự thảo Luật:
“2. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, khối lượng và công dụng của xe, giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A01 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3đến 175 cm3 hoặc động cơ điện có công suất định mức liên tục tương đương;
b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 175 cm3 trở lên hoặc động cơ điện có công suất định mức liên tục tương đương và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A01;
c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A01;
d) Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg;
đ) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B;
e) Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B, C;
g) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B, C, D2;
h) Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;
i) Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc;
k) Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg;
l) Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.”
- Đối với quy định các hình thức cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tại khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật:
“3. Các hình thức cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng
a) Cấp biển số bằng hình thức ngẫu nhiên;
b) Cấp biển số xe thông qua đấu giá.
Việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản. Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật.”
Đối với nội dung này cần phải xác định như thế nào là biển số đẹp để đưa vào đấu giá, chống gian lận và đề nghị quy định việc đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn thích hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của bộ phận người dân, đồng thời phải đảm bảo công tác quản lý của nhà nước.
- Tại Điều 47 quy định về điểm của giấy phép lái xe; trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe; đối với cách trừ điểm người được cấp Giấy phép lái xe cần nghiên cứu sao cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi. Việc quy định thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm, thu hồi giấy phép lái xe cần đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm) hạn chế và tránh sự phát sinh tiêu cực; không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
“Điều 47. Điểm của giấy phép lái xe; trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới.
2. Trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe
a) Trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính) được áp dụng đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
b) Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại;
c) Giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
3. Chính phủ quy định về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục, trừ, phục hồi điểm của giấy phép lái xe.”
- Đối với quy định thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VI dự thảo Luật), đề nghị quy định rõ hơn trường hợp, lực lượng được huy động, trách nhiệm của các lực lượng được huy động, trách nhiệm bồi thường khi phương tiện huy động bị mất, hư hỏng; bổ sung các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trang thiết bị nghiệp vụ, cưỡng chế thi hành các quyết định xử lý vi phạm và thẩm quyền trong hoạt động bảo đảm trật tự An toàn giao thông đường bộ.
- Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VII dự thảo Luật), đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp. Riêng đối với vấn đề chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, Bộ Công an cần phải có sự đánh giá tác động của việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, xem xét việc chuyển nhiệm vụ này có đảm bảo hay không. Việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, Bộ Công an cần có sự thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe và sau khi được cấp Giấy phép lái xe.
Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ dự thảo Luật để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt là tránh sự chồng chéo, trùng lắp và không thống nhất khi tách Luật Giao thông đường bộ thành 02 Luật: Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự An toàn giao thông đường bộ.