Tuy nhiên sau 10 năm triển khai, một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được với mục tiêu mong đợi, một số quy định còn chưa hội nhập với hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các nước trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể như: đối với đối tượng hành nghề: Quy định về phạm vi đối tượng chưa hợp lý dẫn đến còn nhiều đối tượng hành nghề (cán bộ khối dự phòng, y tế cơ sở) chưa được theo dõi, quản lý. Quy định bắt buộc người đăng ký hành nghề trải qua thời gian thực hành lâm sàng nhất định tại các cơ sở y tế nhưng không quy định cụ thể về nội dung, yêu cầu năng lực đầu ra và cơ chế theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành. Quy định của cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 1 lần dựa trên hồ sơ gây khó khăn cho việc đánh giá năng lực khi cấp mới và theo dõi thường xuyên năng lực làm căn cứ cấp lại hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề; đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Do quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động 1 lần nên các cơ quan quản lý khó có thể theo dõi, giám sát và thu hồi giấy phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở công lập sẽ khó thực hiện quy định về điều kiệncấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động vì đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tuyển dụng phụ thuộc vào nguồn đầu tư nhà nước; những quy định về triển khai hoạt động khám chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật mới, sai sót chuyên môn….. cũng còn những điểm chưa phù hợp, khó thực hiện; một số quy định chung về cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hành nghề không phù hợp với thông lệ quốc tế gây khó khăn cho việc hội nhập với các nước về khám bệnh, chữa bệnh: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam hiện nay với việc tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Châu Á Thái Bình Dương (APEC)… một số quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn chưa phù hợp như: hiện nay ngoài Việt Nam không có một quốc gia nào cấp chứng chỉ hành nghề một lần, vấn đề cập nhật kiến thức y khoa liên tục là một nội dung hết sức quan trọng để duy trì và phát triển năng lực của người hành nghề, tuy nhiên các cơ chế để kiểm soát việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục chưa được quy định cụ thể trong Luật, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát quá trình cập nhật kiến thức y khoa liên tục của người hành nghề,...
Trước thực trạng trên, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (gọi tắt là dự thảo Luật) được xây dựng nhằm tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc xây dựng dự thảo Luật cũng nhằm đáp ứng các mục tiêu cụ thể: tăng cường quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm người hành nghề thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn và hành nghề đúng với phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí chất lượng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng; khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phù hợp với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Sau đây là một số ý kiến góp ý với dự thảo Luật:
1. Điều 6 dự thảo Luật quy định các nhóm hành vi bị nghiêm cấm được sửa đổi, bổ sung quy định trong dự thảo Luật về cơ bản đã bao quát đầy đủ các vấn đề. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh những trường hợp mới mà luật có thể chưa dự báo đầy đủ. Vì vậy, có thể bổ sung thêm một nội dung khái quát chung trong các hành vi bị nghiêm cấm, ví dụ như: các hành vi vi phạm quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Luật khác có liên quan.
2. Điều 13 dự thảo Luật quy định “Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên
1. Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
2. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người trực lãnh đạo hoặc người trực lâm sàng quyết định việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh”.
Trong trường hợp người đại diện hợp pháp đưa ra quyết định không đồng ý chữa bệnh cho bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu dẫn đến việc bệnh nhân chết. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật quy định rõ hơn đối với vần đề này.
3. Điều 20 dự thảo Luật quy định về “Sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” đề nghị lựa chọn phương án 2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam:
“1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.
2. Việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt; trường hợp người hành nghề không biết tiếng Việt thành thạo thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt.
3. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam được xác định là biết tiếng Việt thành thạo và người được xác định là đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh khi được cơ sở đào tạo chuyên ngành y do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chí để công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.
4. Người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.”
3. Điều 29 dự thảo Luật quy định về hồ sơ đề nghị cấp mới chứng chỉ hành nghề:
“1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật này, trừ trường hợp đã liên thông kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh giữa cơ quan tổ chức thi và cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.
3. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, trừ đối tượng là người nước ngoài đã có giấy phép lao động.
4. Phiếu lý lịch tư pháp, trừ các trường hợp sau:
a) Công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước;
b) Người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động.”
Đề nghị hồ sơ không cần phải yêu cầu: “Phiếu lý lịch tư pháp” mà người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tự chịu trách nhiệm về nhân thân.
4. Điều 35 dự thảo Luật quy định về tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đề nghị lựa chọn phương án 2:
“1. Cơ quan tổ chức thi:
Phương án 2: Bộ Y tế tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
2. Nội dung thi: Lý thuyết và thực hành theo bộ ngân hàng câu hỏi do Hội đồng Y khoa/ Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt (tùy theo lựa chọn phương án tại khoản 1).
3. Thời điểm tổ chức kỳ thi: Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức định kỳ tối thiểu 2 lần 1 năm.
4. Phương thức tổ chức kỳ thi:
Hội đồng Y khoa quốc gia/ Bộ Y tế (tùy theo lựa chọn phương án tại khoản 1) tổ chức kỳ thi theo khu vực tại các cơ sở đã được Hội đồng y khoa quốc gia/ Bộ Y tế đánh giá đủ năng lực tổ chức thi.
5. Căn cứ kết quả thi, cơ sở tổ chức thi tổng hợp danh sách người đạt yêu cầu và gửi về Hội đồng y khoa quốc gia/ Bộ Y tế.
6. Căn cứ danh sách do cơ sở tổ chức thi gửi:
Phương án 2: Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chế tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.”
5. Điều 37 dự thảo luật quy định về “Nguyên tắc đăng ký hành nghề
1. Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
3. Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
4. Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ.
5. Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
6. Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 400 giờ/01 năm. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.”
Đề nghị quy định cụ thể rõ hơn khái niệm “ngoài giờ” tại khoản 4 và khoản 5 Điều 37 dự thảo Luật nêu trên.
6. Điều 54 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị lựa chọn phương án 2:
“1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế;
b) Bệnh viện thuộc các bộ khác, trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Bệnh viện tư nhân trừ các bệnh viện tư nhân thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng.
2. Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các trường hợp sau:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác và bệnh viện tư nhân trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Căn cứ tình hình thực tiễn và đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ quyết định việc mở rộng phạm vi phân cấp thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này.”/.