Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh
Ngày cập nhật 09/07/2021

Luật Điện ảnh được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2009 (Luật Điện ảnh). Tuy  nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những bất cập, hạn chế cần được khắc phục. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chỉnh sửa, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, qua đó tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, cùng nhau đóng góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại. Một số góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo nêu trên như sau:

 

1. Dự thảo đưa ra khái niệm “Phim Việt Nam”. Theo đó,  Phim Việt Nam là phim đã được phép phổ biến tại Việt Nam và có hai trong ba yếu tố: đạo diễn có quốc tịch Việt Nam; ngôn ngữ chủ yếu trong phim là tiếng Việt và có ít nhất một pháp nhân Việt Nam tham gia đầu tư vào quá trình sản xuất phim.

Để cụ thể hóa sự tham gia đầu tư vào quá trình sản xuất phim của ít nhất một pháp nhân Việt Nam, cần nêu rõ con số mang tính định lượng cho sự tham gia này, ví dụ như tham gia đầu tư ít nhất là 20% vốn vào quá trình sản xuất phim. Việc nêu định lượng cụ thể này sẽ giúp lường trước những vấn đề phát sinh trong trường hợp các tổ chức, các nhân nước ngoài muốn hưởng chính sách của phim Việt Nam, sẽ mời pháp nhân Việt Nam tham gia với tính chất “cho có”.

2. Dự thảo Luật nêu nguyên tắc của hoạt động điện ảnh, cụ thể:

1. Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

2. Bảo đảm quyền sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ.

3. Bảo đảm tính nhân văn, hướng thiện, thẩm mỹ và giải trí.

4. Bảo đảm sự bình đẳng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động điện ảnh và thị trường điện ảnh.

Để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Kiến nghị dự thảo bổ sung thêm quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động điện ảnh theo hướng nêu rõ những nhiệm vụ của Nhà nước trong công tác này, để phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh với những vấn đề khác, cụ thể như: (i) Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về hoạt động điện ảnh; (ii) Thông tin, tuyên truyền pháp luật về điện ảnh; (iii) thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về điện ảnh,…

4. Dự thảo quy định các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau: Sản xuất phim về đề tài theo yêu cầu của Nhà nước trong từng thời kỳ; Mua phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; phát hành và phổ biến phim phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn; phục vụ thiếu nhi, lực lượng vũ trang; phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; tổ chức liên hoan phim quốc gia.

Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau: đầu tư nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu và lưu trữ phim; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; tổ chức liên hoan phim quốc tế.

Nhà nước có chính sách khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc định hướng văn hóa xã hội, truyền bá văn hóa, tư tưởng của một quốc gia đến với thế giới. Vì vậy, trong chính sách của Nhà nước, cần hướng đến việc khuyến khích, nâng cao việc thực hiện nhiệm vụ này.

5. Dự thảo đã nêu cơ bản đầy đủ những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh: tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội, phá hoại truyền thống văn hóa và đạo đức xã hội; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc, trừ trường hợp nội dung nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa; dâm ô, đồi trụy thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại khêu gợi, kích thích dâm ô, truỵ lạc, loạn luân; mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức.

Các hành vi nghiêm cấm: phổ biến phim mà không có Giấy phép phổ biến và phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình; thay đổi, làm sai lệch nội dung phim đã được cấp Giấy phép phổ biến và phân loại hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình; phát hành, phổ biến phim không có bản quyền hợp pháp; phát hành, phổ biến phim đã có quyết định đình chỉ, thu hồi.

Mặc dù đã nêu khá đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên để bao quát tất cả các trường hợp khác có thể phát sinh trên thực tế, có thể bổ sung thêm nội dung nghiêm cấm là “các hành vi vi phạm pháp luật khác”.

6. Về phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo yêu cầu việc phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm: không vi phạm những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và bảo đảm phim phát hành có bản quyền hợp pháp, chịu trách nhiệm về nội dung phim phát hành; phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Ngoài những quy định trên, thiết nghĩ cần bổ sung thêm yêu cầu phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về an ninh mạng.

7. Về phổ biến phim tại địa điểm công cộng, dự thảo nêu rõ các địa điểm công cộng, cụ thể: phổ biến phim tại địa điểm công cộng là việc chiếu phim ngoài trời, trên phương tiện vận chuyển công cộng, trong khu công nghiệp, nhà khách, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu, quán giải khát, khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, câu lạc bộ, trụ sở của tổ chức.

Tổ chức, cá nhân phổ biến phim tại các địa điểm công cộng có trách nhiệm phổ biến phim đã có Giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc Quyết định phát sóng hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình; bảo đảm các điều kiện về an toàn, trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức chiếu phim; thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình chiếu phim cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương theo phân cấp đối với việc phổ biến phim tại các địa điểm chiếu phim ngoài trời trước thời điểm tổ chức ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày chiếu phim. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương tiếp nhận thông báo có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức phổ biến phim ngoài trời; trường hợp không đồng ý phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Hiện nay các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có nêu nội dung liên quan đến “công cộng”, như: Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế;  Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP  đều có quy định xử phạt vi phạm nơi công cộng. Trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định tội gây rối trật tự công cộng, Luật An ninh mạng cũng quy định hành vi Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng…Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định về nơi công cộng… Hiến pháp 2013 tại Điều 46 cũng quy định: Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng, cụ thể:

(1) Khoản 7 Điều 2 phần giải thích từ ngữ của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 thì: Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người.

(2) Điểm b khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

(3) Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thì Địa điểm công cộng không được uống rượu, bia,bao gồm:

– Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

– Nhà chờ xe buýt.

– Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

(4) Điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 103/2009/NĐ-CP Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thì: Nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định tại Quy chế này bao gồm nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa quy định tại điểm a khoản này.

Điểm a quy định: Quy chế này quy định các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (sau đây gọi là Quy chế) bao gồm: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác.

Thông tư 04/2009/TT_BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ, thì tại khoản 1 Điều 2 hướng dẫn các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quy chế tại Nghị định 103 như sau:

a) Các dịch vụ văn hoá khác gồm: Thu âm (phòng thu nhạc và lời); ghi hình (quay camera); vẽ truyền thần, vẽ tranh, sao chép tranh; làm tượng; sản xuất hàng mã; dạy khiêu vũ, dạy nhạc.

b) Các hình thức vui chơi giải trí khác gồm: Các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật quần chúng và các hình thức vui chơi giải trí có nội dung văn hoá.

c) Các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các hình thức vui chơi giải trí khác chưa được qui định tại các điểm a và b khoản này.”

(5) Điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì Vi phạm quy định về trật tự công cộng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác.

 Để đảm bảo tính thống nhất , dự thảo cần rà soát, điều chỉnh về phạm vi “công cộng” tương thích với các văn bản pháp luật khác có liên quan như trên.

8. Dự thảo quy định về quảng cáo phim. Theo đó, quảng cáo phim bao gồm quảng cáo về phim và quảng cáo trong phim. Việc quảng cáo về phim được quy định như sau: tổ chức, cá nhân được quảng cáo thông tin liên quan đến bộ phim trước, trong quá trình sản xuất và phát hành phim theo quy định của pháp luật về quảng cáo; tổ chức, cá nhân không được chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có Giấy phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Việc quảng cáo trong phim được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo quy định trên, vấn đề quảng cáo phim là các hoạt động nhằm xúc tiến cho việc phát hành phim đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, quảng cáo trong phim nghĩa là gì, quảng cáo vấn đề gì, hay phim có nội dung quảng cáo,… thì dự thảo chưa làm rõ. Đề nghị làm rõ phạm vi quảng cáo trong phim./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.530.722
Lượt truy cập hiện tại 8.614