Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số góp ý đối với dự thảo Dân số
Ngày cập nhật 25/06/2021

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người …). 

Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chệnh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với việc già hóa dân số; chất lượng dân số còn thấp; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập… Trước thực trạng trên, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, Đảng ta đã khẳng định quan điểm nhất quán “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Để thể chế hóa quan điểm trên của Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh các công cụ quản lý khác như chính sách, kế hoạch, hành chính, tài chính…, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Dân số nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới trên cơ sở kế thừa và phát triển Pháp lệnh Dân số.

Dự thảo Luật Dân số (gọi tắt là dự thảo Luật) được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết toàn diện công tác dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số; chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; khắc phục cơ bản những hạn chế của Pháp lệnh Dân số. Dự thảo Luật cũng nhằm thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về công tác dân số, trực tiếp nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với các cam kết chính trị mà Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn quốc tế; tính tương thích với các Điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với công tác dân số; bảo đảm tính khả thi trong các quy định của pháp luật; chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa quyền, trách nhiệm của các cá nhân, gia đình với quyền, lợi ích của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và lợi ích của địa phương, quốc gia; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; phát huy và kế thừa kinh nghiệm truyền thống, đúc rút các bài học kinh nghiệm, kết hợp với kiến thức, xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế vận dụng phù hợp vào điều kiện Việt Nam; kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, hạn chế để điều chỉnh toàn diện các vấn đề dân số và phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

             Cơ bản nhất trí dự thảo Luật Dự thảo Luật Dân số được bố cục với 8 chương và 57 điều quy định về những quy định chung; quy định về quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số; chất lượng dân số; điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về dân số và điều khoản thi hành. Sau đây là một số ý kiến góp ý với dự thảo Luật:

  1. Điều 7 dự thảo Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

         “1. Tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin trái với chính sách, pháp luật về dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc; cản trở việc thông tin, giáo dục, truyền thông, vận động và thực hiện chính sách, pháp luật về dân số.

2. Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp và cung cấp dịch vụ để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

3. Lựa chọn giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức.

4. Chẩn đoán, xác định và cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến giới tính.

5. Kỳ thị, phân biệt đối xử đối với con trai, con gái trong gia đình và dòng tộc; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh con một bề là gái hoặc trai.

6. Ép buộc, xúi giục người khác lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai vì giới tính của thai nhi.

7. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, cung cấp, lưu hành dụng cụ, phương tiện, các sản phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước khi sinh.

8. Cung cấp dịch vụ, phương tiện, tư vấn, hướng dẫn phá thai không đúng quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

 9. Cản trở hoặc cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

10. Mua, bán phương tiện tránh thai miễn phí.

           11. Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành”           

          Các nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong dự thảo Luật nêu trên về cơ bản đã bao quát đầy đủ các vấn đề. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh những trường hợp mới mà luật có thể chưa dự báo đầy đủ. Vì vậy, có thể bổ sung thêm một nội dung khái quát chung trong các hành vi bị nghiêm cấm, ví dụ như: các hành vi vi phạm quy định tại Luật Dân số và các Luật khác có liên quan.

2. Khoản  3 Điều 9 dự thảo Luật quy định “ Nhà nước có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện các chương trình, dự án về kế hoạch hóa gia đình; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo”. Đề nghị quy định cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ cái gì, mức độ hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng,... nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

3. Đối với quy định tại Điều 10 dự thảo Luật về “Quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình” đề nghị lựa chọn phương án 2 vì quy định của phương án này cụ thể, rõ ràng mỗi cặp vợ chồng thực hiện và tạo cơ chế để Chính phủ chủ động, linh hoạt trong việc kiểm soát mức sinh:

 

 “1. Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt.

2. Bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình.

3. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp sau đây:

a) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

c) Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

d) Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

đ) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

e) Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ). Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ); quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;

g) Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định kỳ 5 năm, công bố tên dân tộc có số dân dưới 10.000 người, tên dân tộc có tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết (dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân).

5. Bộ Y tế ban hành danh mục dị tật, bệnh hiểm nghèo để xác định đối tượng theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật này.”

4. Khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật quy định “Phụ nữ mang thai là người dân tộc thiểu số được quản lý thai, khám thai tối thiểu bốn lần trong thai kỳ, được tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; khi sinh đẻ tại cơ sở y tế hoặc tại nhà phải được người đỡ đẻ được đào tạo chuyên môn y tế hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc sau sinh”. Đề nghị bỏ cụm từ “quản lý thai” đồng thời bổ sung thêm “Phụ nữ mang thai là người dân tộc thiểu số được sàng lọc trước sinh, khám thai tối thiểu bốn lần trong thai kỳ, được tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; khi sinh đẻ tại cơ sở y tế hoặc tại nhà phải được người đỡ đẻ được đào tạo chuyên môn y tế hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc sau sinh”.

5. Điều 36 Dự thảo Luật quy định về Quyền và nghĩa vụ của người được phá thai cần xem xét lại vì Điều này có 2 khoản 4, cụ thể:

           “1. Phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người được phá thai.

            2. Phụ nữ được tư vấn, lựa chọn, cung cấp thông tin về phương pháp phá thai phù hợp; được cung cấp dịch vụ phá thai an toàn và giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án. Khuyến khích vợ, chồng trao đổi thông tin với nhau trước khi phá thai.

            3. Người vợ có quyền yêu cầu người chồng, thành viên khác trong gia đình giúp mình thực hiện phá thai an toàn, chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần sau khi phá thai.

            4. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà phá thai thì phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

           4. Người được phá thai có trách nhiệm tuân thủ đúng hướng dẫn về chuyên môn y tế, quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ phá thai.”

            5. Khoản 2 Điều 37 Dự thảo Luật quy định về “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản khoa, cơ sở cung cấp dịch vụ dân số có trách nhiệm tư vấn về giới tính, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai cho người chưa thành niên, thanh niên; cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, chất lượng, thân thiện, đa dạng, thuận tiện, phù hợp, đúng quy định pháp luật; không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai” đề nghị sửa đổi như sau: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản khoa, cơ sở cung cấp dịch vụ dân số có trách nhiệm tư vấn về giới tính, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai; cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, chất lượng, thân thiện, đa dạng, thuận tiện, phù hợp, đúng quy định pháp luật cho người chưa thành niên, thanh niên; không kỳ thị, phân biệt đối xử với  người chưa thành niên, thanh niên có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai”./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.534.920
Lượt truy cập hiện tại 10.825