Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Ngày cập nhật 25/06/2021

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) (gọi tắt là dự thảo Luật) đang được Chính phủ xây dựng, lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện đến dự thảo lần thứ 3. Trên cơ sở tổng kết đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo Luật được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng hiện nay, như:

 

- Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế (đặc biệt vùng nông thôn, địa bàn dân cư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được quan tâm chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua). Một số nơi phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; chưa gắn kết thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động; chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng.

- Quy định một số danh hiệu thi đua chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở; một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý; quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua chưa phù hợp; căn cứ để xét tặng là sáng kiến cũng chưa rõ ràng khó thực hiện. 

Hai là, về công tác khen thưởng

- Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định của Luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ, Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức…). Các quy định về tiêu chuẩn còn chung chung, chưa cụ thể, định tính, chưa định lượng, phải điều chỉnh bằng nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn; do đó các văn bản quy phạm thường xuyên phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho nông dân, người lao động trực tiếp; nhưng hiện nay trong quá trình tổ chức thực hiện còn lung túng vì những khu vực, vùng miền khác nhau, điều kiện khác nhau nên khó thực hiện, do vậy việc khen thưởng vẫn tập trung nhiều vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. 

- Luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao dẫn đến việc hiểu khen thưởng lần sau bao giờ cũng phải cao hơn lần trước, do đó xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp Nhà nước; khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế. Ngoài ra, quy định khen thưởng cấp cao là phải đạt thành tích liên tục, nếu bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu, điều này không chỉ mang tính cộng dồn thành tích theo thâm niên mà còn làm giảm tính phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân (hình thức này chỉ phù hợp với khen thưởng theo niên hạn đối với lãnh đạo hoặc đối với lực lượng vũ trang theo quy định hiện hành). 

- Một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Luật chưa quy định về quy trình thủ tục, hồ sơ khen thưởng thông qua phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc để khen thưởng.

- Luật hiện hành quy định nhiều hình thức khen thưởng cấp nhà nước (hiện có 26 hình thức khen thưởng với 42 cấp độ khen thưởng). Thẩm quyền khen thưởng của Chủ tịch nước gồm: Huân chương 10 loại, Huy chương 04 loại, Danh hiệu vinh dự Nhà nước 08 loại và 02 loại giải thưởng. Thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: Cờ thi đua của Chính phủ, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra có các hình thức khen thưởng khác thuộc thẩm quyền của các cấp, các ngành.... Trên thực tế từ khi thực hiện Luật đến nay tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, số lượng khen thưởng nhiều nhất tập trung chủ yếu vào khen niên hạn trong lực lượng vũ trang.

Với việc xác định những bất cập, hạn chế nêu trên, dự thảo Luật lần thứ ba có những điểm mới nổi bật như quy định về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc, cấp bộ, ngành, tỉnh, cấp cơ sở; bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”...

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, kiến nghị thêm một số nội dung như sau:

1. Dự thảo Luật nêu mục tiêu của thi đua là nhằm tạo động lực động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Luật có tên gọi đầy đủ là Luật Thi đua, khen thưởng. Vậy dự thảo Luật xác định mục tiêu của thi đua đã rõ ràng, nên chăng cũng xác định rõ mục tiêu của khen thưởng, hoặc ghi nhận chung mục tiêu là mục tiêu chung của thi đua, khen thưởng.

2. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng được nêu trong dự thảo được chia thành 03 nhóm, đó là:

Nguyên tắc thi đua gồm: tự nguyện, tự giác, công khai; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

Nguyên tắc khen thưởng gồm: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; bảo đảm thống nhất giữa thành tích, hình thức và đối tượng khen thưởng; kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

Như trong Tờ trình đã nêu về những bất cập, hạn chế hiện nay trong công tác thi đua, khen thưởng là còn hạn chế đối với những người lao động trực tiếp. Vì vậy, trong nguyên tắc có thể bổ sung thêm nguyên tắc khen thưởng đúng người, đúng việc và ưu tiên khen thưởng những người lao động trực tiếp.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: “1. Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi. 2. Cản trở hoặc ép buộc tham gia các phong trào thi đua. 3. Kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng. 4. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định khen thưởng trái pháp luật. 5. Lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể trong thi đua, khen thưởng”. Những hành vi trên nhìn chung tập trung vào nhóm đối tượng tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng và nhóm đề nghị khen thưởng mà chưa đề cập đến nhóm đối tượng trung gian là những người thực hiện thủ tục thi đua, khen thưởng. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm đối với nhóm đối tượng này, ví dụ như: cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.

4. Dự thảo đề cập đến tiêu chí thi đua của các danh hiệu. Nhìn chung, các danh hiệu thi đua có tính tiếp nối, kế thừa, khen từ thấp đến cao, như: danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh”. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”,… Chính điều này và quy định về tỷ lệ khen thưởng đã tạo cho thi đua mang tính “hình thức, phong trào”, tập thể xây dựng “lộ trình khen thưởng”, cá nhân có sự “nhường nhau” để cá nhân có thể theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Vì vậy, kiến nghị nên xem xét quy định một cách cụ thể về các tiêu chí danh hiệu thi đua, không phải là sự “gối đầu” như trên.

5. Dự thảo quy định về danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”. Danh hiệu “Gia đình tiêu biểu” được xét tặng cho gia đình đạt các tiêu chuẩn sau: “1. Gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú. 2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; thường xuyên, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. 3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. 4. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội. 5. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được bộ,ban, ngành, tỉnh công nhận, đề nghị. 6. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chuẩn “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân, gia đình.

Ngoài ra, “Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” để tặng cho gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội. Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn tặng thưởng “Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” đối với cá nhân, gia đình. Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể tặng Giấy khen đối với cá nhân, tập thể, gia đình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, Giấy khen đối với cán bộ, công chức, nông dân, người lao độngthuộc quản lý của cấp xã và công nhận danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”.

Có thể nói, một gia đình sống như thế nào vốn dĩ đã khó xác định đối với người ngoài cuộc, trong khen thưởng lại càng khó xác định hơn. Thực tế một gia đình có thể thật sự không “hạnh phúc” nhưng những người trong cuộc vẫn phải “đóng kịch” hạnh phúc, và thực tế có khá nhiều trường hợp này, đặc biệt với các gia đình trí thức. Vì vậy, cần có cách tiếp cận hiệu quả, phù hợp trong việc khen thưởng đối với đối tượng là “gia đình”. Đồng thời, xác định thế nào là “gia đình”, gia đình bao nhiêu thế hệ hay gia đình theo hộ khẩu, hộ gia đình.

 

6. Dự thảo Luật điều chỉnh đối với cá nhân, tập thể, gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài. Pháp luật khen thưởng hiện này đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho nông dân, người lao động trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào để phù hợp, để phong trào thi đua, khen thưởng lam tỏa đến mọi đối tượng, vùng miền, đặc biệt là những con người lao động trực tiếp, đó mới thật sự là mục tiêu hướng đến của công tác thi đua, khen thưởng.

 

7. Có thể xác định các nhóm trong mối quan hệ khi thực hiện thi đua, khen thưởng, đó là: nhóm quan hệ giữa cấp phát động và cấp hưởng ứng, cụ thể là giữa bên tổ chức phát động thi đua với bên thực hiện. Nhóm tham mưu thực hiện thi đua, khen thưởng. Nhóm thực hiện các trình tự, thủ tục công tác thi đua, khen thưởng. Trong các nhóm quan hệ nêu trên, các quy định pháp luật điều chỉnh đối với nhóm thực hiện các trình tự, thủ tục công tác thi đua, khen thưởng còn thiếu tính đồng bộ, tập trung, còn quy định tại nhiều văn bản, gây khó khăn cho người thực hiện. Về thủ tục, hồ sơ cũng cần xem xét, khắc phục để đơn giản hóa khâu này.

8. Dự thảo nêu quyền của cá nhân, tập thể. Cá nhân, tập thể được tham gia các phong trào thi đua, được khen thưởng kèm theo hiện vật khen thưởng và hưởng lợi ích khác theo quy định của pháp luật. Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng, cấp đổi, cấp lại  hiện vật khen thưởng. Tập thể được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày, cấp đổi, cấp lại và được sử dụng biểu tượng của các hiện vật khen thưởng đó trên các văn bản, tài liệu chính thức của tập thể.
Về nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng; phát huy thành tích đã đạt được, tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm; bảo quản, lưu giữ các hiện vật khen thưởng.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể khá rõ. Tuy nhiên, cần có thêm quy định mang tính giải pháp để tập thể, cá nhân được khen thưởng phải có trách nhiệm trong phát huy thành tích đã được ghi nhận, làm lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình một cách xứng đáng để đạt được mục tiêu của thi đua, khen thưởng.

9. Về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, dự thảo quy định: “1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng đã nhận; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: a) Gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng; b) Xác nhận sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ cho mình hoặccho người khác để đề nghị khen thưởng; c) Thẩm định, xét, duyệt các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không đúng quy định; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quyết định khen thưởng trái pháp luật. 2. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

Bên cạnh các hành vi bị xử lý đã nêu như trên, cần xem xét bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm để xử lý toàn diện, đồng bộ. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm không chỉ thực hiện đối với các nhân có hành vi vi phạm mà phải áp dụng đối với cả tổ chức có hành vi vi phạm./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.534.565
Lượt truy cập hiện tại 10.721