Qua hơn 03 năm triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg, đến nay, việc triển khai, hướng dẫn, đánh giá, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (gọi chung là cấp xã) đi vào nề nếp, bảo đảm yêu cầu, mục đích và thời hạn đề ra. Các địa phương đã nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của công tác đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và quan tâm triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: có 139/145 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 95,8%), tăng 7 % so với năm 2019 (năm 2019 có 135/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 88,8%). Các xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vì lý do có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 619/QĐ-TTg cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:
1. Về thể chế
Thứ nhất, các tiêu chí tiếp cận pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể:
- Nội dung của một số chỉ tiêu còn chung chung, chưa rõ nội dung cụ thể, khó triển khai trong thực tiễn, khó thu thập tài liệu kiểm chứng (chỉ tiêu 1 tiêu chí 1 “Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quy định những vấn đề được luật giao”, chỉ tiêu 9 tiêu chí 3 “Bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, chỉ tiêu 3 tiêu chí 4 “Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở”..)
- Có chỉ tiêu còn trùng lắp với nội dung tiêu chí do Bộ Công an thực hiện trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (chỉ tiêu 2 tiêu chí 1 “an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn được kiềm chế, có giảm so với năm trước”; chỉ tiêu 3 tiêu chí 1 “Giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; không có hoặc giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn cấp xã so với năm trước”) hoặc trùng lắp với nội dung các chỉ tiêu giữa các tiêu chí với nhau (chỉ tiêu 1 tiêu chí 5 về nội dung công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung có liên quan trực tiếp đến tổ chức cá nhân trên địa bàn đã bao hàm công khai nội dung về dân chủ ở cơ sở của chỉ tiêu 1 tiêu chí 3...)
- Một số thiết chế thông tin pháp luật như Tủ sách pháp luật đã được điều chỉnh bởi văn bản mới, ban hành sau như Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Do vậy, cần được rà soát, điều chỉnh để thống nhất với văn bản mới.
- Có chỉ tiêu quy định còn hình thức, chưa thực chất, định tính nên khó chấm điểm (chỉ tiêu 6 tiêu chí 3 “triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật”; ...)
- Trong nguyên tắc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đã nêu rõ “Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã” (quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 619/QĐ-TTg). Tuy nhiên, đến nay, Quy định đã được triển khai đến năm thứ 4 nhưng để chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành tiêu chí đánh giá ‘phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã” vẫn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản liên quan. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg.
Thứ hai, về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Một số địa phương chưa phân biệt rõ vi phạm pháp luật theo quy định của Luật cán bộ công chức với các quy định của các tổ chức chính trị, xã hội. Nên việc xác định điều kiện về không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ gặp nhiều lúng túng hoặc chưa có cơ chế thu hồi quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi phát hiện vi phạm trong thực thi công vụ.
Thứ ba, về thời gian đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Thời điểm đánh giá đạt chuẩn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào cuối năm đánh giá nên trong nhiều trường hợp không đồng thời với thời điểm đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, ít nhiều khó khăn trong việc gắn kết đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với đánh giá nông thôn mới.
2. Về hình thức văn bản
Quyết định số 619/QĐ-TTg được ban hành theo hình thức không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại chứa đựng nội dung có tính quy phạm, được áp dụng bắt buộc chung đối với các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc. Do đó, xét về hình thức văn bản, việc ban hành Quyết định chưa phù hợp với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện Quyết định trên thực tế thời gian qua cho thấy do chưa được ban hành theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật, nên có nơi, có lúc, có địa phương triển khai nhiệm vụ được giao chưa nghiêm túc, chưa đồng bộ, thống nhất, chỉ chú trọng gắn với đánh giá xã đạt nông thôn mới, dẫn đến hiệu quả chưa rõ nét...
3. Về tổ chức triển khai thực hiện
- Nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật mặc dù đã được xác định là nhiệm vụ của các ban, ngành, địa phương, nhưng thực tế, các ban, ngành chưa phát huy và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, chưa chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương chưa được coi trọng, thực hiện thường xuyên. Một số địa phương chưa phân công rõ trách nhiệm cho các công chức theo dõi, tham mưu thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Do vậy, tại những địa phương này chủ yếu do công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ động thực hiện. Nhiều địa phương sau khi đánh giá chưa đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện và điểm số đối với các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật đạt kết quả thấp.
- Một số đơn vị cấp xã tổ chức đánh giá tiếp cận pháp luật còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo yêu cầu; còn lúng túng trong đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.
- Một số địa phương chưa thực hiện niêm yết kết quả đánh giá, công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp huyện và cấp xã theo thời hạn quy định.
- Quá trình thực hiện Quyết định số 619/QÐ-TTg phát sinh nhiều loại sổ theo dõi cung cấp thông tin, sổ theo dõi việc cập nhật thông tin pháp luật, sổ theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi tình hình niêm yết thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính…dẫn đến hồ sơ, thủ tục phức tạp, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
4. Về nguồn lực triển khai nhiệm vụ
Nguồn lực dành cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn hạn chế, nhất là kinh phí. Nhiều địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng mà chủ yếu sử dụng kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện nhiệm vụ này. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức phụ trách công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số địa phương chưa đồng đều và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan
- Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nhiệm vụ mới, khó, phức tạp, đối tượng đánh giá tuy đã thu hẹp là cấp xã nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với triển khai văn bản pháp luật, chính sách thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Để có thể đưa pháp luật đi vào cuộc sống một cách toàn diện đòi hỏi phải có thời gian, tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp các ngành cũng như bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thực tiễn.
- Các tiêu chí, chỉ tiêu và việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được chuẩn hóa và bảo đảm thực hiện bằng văn bản mang tính pháp lý.
- Một số đơn vị cấp xã còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí nên khó bảo đảm đạt các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan (bố trí đủ kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật; đảm bảo diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả...).
- Công chức cấp xã hiện nay đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nên thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nên việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chưa thường xuyên, kịp thời, chưa bố trí đủ nguồn lực kinh phí và bố trí cán bộ theo dõi công tác này phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
- Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên cần sự phối hợp đồng bộ nhưng trên thực tế sự sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị trong rà soát, đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt ở cấp xã còn chưa kịp thời, thường xuyên, đồng bộ.
- Chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện trong tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Một số bài học kinh nghiệm
- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu là yếu tố quyết định cho thành công của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung.
- Cần chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những bất cập từ quy định của các văn bản để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bảo đảm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả.
- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; phát huy hiệu quả các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
- Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; nâng cao tính chủ động của cơ quan Tư pháp các cấp; sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, công chức chuyên môn cấp xã; phát huy vai trò của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện trong tư vấn, tham mưu việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Chú trọng gắn kết giữa thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
- Nâng cao năng lực cán bộ, bố trí đúng mức kinh phí cho nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đổi mới cách thức tập huấn, bồi dưỡng theo hướng tập trung vào kỹ năng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lồng ghép, tận dụng nguồn lực của các chương trình, đề án có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.