Bên cạnh đó, góp ý một số nội dung trong dự thảo Luật như sau:
1. Dự thảo Luật quy định về chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Theo đó, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chỉ cấp cho người có giấy phép lái xe (các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE) để lái xe kinh doanh vận tải. Người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định. Người được xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo về nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toànđăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kiểm tra, nếu đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Người học đủ nội dung, chương trình đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn được cơ sở đào tạo lái xe kiểm tra hoặc thi kết thúc khóa học, nếu đạt yêu cầu thì được xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo. Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp và không còn giá trị sử dụng trong thời gian chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng. Việc kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe. Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải; quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, các yếu tố kỹ thuật bảo an đối với Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải; nội dung, chương trình, thủ tục học và kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải; thủ tục gia hạn, đổi, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Đề nghị xem xét thêm đối với quy định trên vì có thể phát sinh thêm “giấy phép con”, trong khi Chính phủ đang quyết liệt thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và nhiều Bộ, ngành đã tích cực cắt giảm “giấy phép con”.
2. Dự thảo quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo nêu rõ: kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô trong nước, quốc tế.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ được quy định bổ sung thêm loại hình kinh doanh mới, loại hình kinh doanh vận tải mang tính chất đặc thù ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định. Như vậy, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, tạo cơ sở pháp lý ngay từ trong luật để điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải này.
Ngoài ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón,… Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.
3. Dự thảo luật quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây: đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng phù hợp với loại hình kinh doanh;phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định; người lái xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật; người điều hành hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải ô tô phải có trình độ chuyên môn về vận tải.
Như vậy, một trong những điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là phải đảm bảo số lượng phương tiện theo quy định. Yêu cầu đưa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô vào “thế khó” bởi vì số lượng xe ô tô bao nhiêu còn tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp.
4. Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông đường bộ được dự thảo luật đề cập đến với quy định về hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, cụ thể: hệ thống thông tin giao thông đường bộ là hệ thống bao gồm các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình, thủ tục để thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và truy xuất thông tin liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ. Hệ thống thông tin giao thông đường bộ được thiết kế tổng thể theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam đảm bảo kết nối, chia sẻ, liên thông với các hệ thống thông tin khác. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu lớn tập trung, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo để tích hợp hình thành hệ thống thông tin thống nhất phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là tài sản Nhà nước và phải được bảo đảm an ninh, an toàn. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ gồm: cơ sở dữ liệu về kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về phương tiện; cơ sở dữ liệu về người điều khiển phương tiện; cơ sở dữ liệu về vận tải đường bộ; cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu giám sát thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu có liên quan khác.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ được sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ.
Như vậy, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ thật sự là hệ thống thông tin có thể nói là “đồ sộ”, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp. Mặc dù dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ nhưng cũng cần nêu rõ hơn về vấn đề lộ trình, thời gian thực hiện để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, dự thảo nêu người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ được sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thiết nghĩ, không chỉ người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ mà nên mở rộng đến những trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền trong thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan cũng có thể sử dụng, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông như trên, ví dụ như trường hợp liên quan đến hoạt động tố tụng cần thu thập dữ liệu từ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông để phục vụ cho nhiệm vụ.
5. Dự thảo luật quy định về vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ. Theo đó, cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ tại địa phương, có hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc phạm vi quản lý của mình; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và về giao thông đường bộ nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được triển khai bằng nhiều hình thức, biện pháp. Vì vậy, để đảm bảo tính toàn diện trong công tác này, dự thảo Luật có thể dẫn chiếu thêm việc thực hiện theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Dự thảo luật nêu cụ thể các hanh vi bị nghiêm cấm.Trong đó đã liệt kê 28 nhóm hành vi, như: phá hoại công trình đường bộ; đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường và đất hành lang an toàn đường bộ; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; đào, đắp, san lấp, lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ; thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định; đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng; vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định; kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định,…
Nhìn chung, các nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định trên cơ sở của Luật hiện hành nên cơ bản bao quát đầy đủ các vấn đề. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh những trường hợp mới mà luật có thể chưa dự báo đầy đủ (ví dụ như vấn đề áp dụng công nghệ vào quản lý, vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin trong giao thông đường bộ chưa được nêu trong các nhóm hành vi bị nghiêm cấm). Vì vậy, có thể bổ sung thêm một nội dung khái quát chung trong các hành vi bị nghiêm cấm, ví dụ như: các hành vi vi phạm quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các Luật khác có liên quan./.