Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số ý kiến về dự án Luật Công tác xã hội
Ngày cập nhật 23/06/2021

Công tác xã hội (CTXH) là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội. Hiến pháp năm 2013 khẳng định "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác" (Khoản 2 Điều 59)…

 

Về thực tế, đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng. Theo thống kê, ở nước ta, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%, 1,3 triệu hộ cận nghèo chiếm 5,32%, khoảng 2,83 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma tuý (bạo lực gia đình và bạo hành ở các cấp độ khác nhau có xu hướng tăng); ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); và các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt). Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh; nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.[1].

Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Hiến pháp, trong bối cảnh thực tiễn xã hội nêu trên, việc ban hành Luật Công tác xã hội là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả thúc đẩy phát triển CTXH, góp phần phòng ngừa; can thiệp, trợ giúp cá nhân, nhóm, gia đình, cộng đồng, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu phát huy tiềm năng tự vươn lên trong cuộc sống nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội.

Như vậy, việc Chính phủ xây dựng Luật Công tác xã hội để trình Quốc hội là hoàn toàn phù hợp. Đối với dự thảo Luật Công tác xã hội (gọi tắt là dự thảo) được lấy ý kiến, kiến nghị một số vấn đề như sau:

1. Dự thảo nêu khái niệm công tác xã hội tại khoản 1 Điều 4 về vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội, cụ thể: “Công tác xã hội quy định tại Luật này được hiểu là các hoạt động phòng ngừa, can thiệp - trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và phát triển cộng đồng; đồng thời thúc đẩy tạo lập môi trường xã hội, chính sách, nguồn lực và dịch vụ góp phần bảo đảm an sinh xã hội và hạnh phúc của người dân”. Nội dung này nên đặt tại Điều 3 về giải thích từ ngữ. Ngoài ra, khái niệm công tác xã hội như trên và trong toàn dự thảo, việc hiểu những vấn đề gì, lĩnh vực gì thuộc về công tác xã hội vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng.

2. Dự thảo nêu 17 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, như: tước đoạt quyền sống; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt tài sản của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; sách nhiễu, lừa dối người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; cản trở người sử dụng dịch vụ công tác xã hội thực hiện quyền và bổn phận của mình; buộc người sử dụng dịch vụ công tác xã hội làm những việc quá sức; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc người sử dụng dịch vụ công tác xã hội làm hoặc không làm một việc ngoài ý muốn của người đó; đánh đập, nhốt người, trói người người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; không cho người sử dụng dịch vụ công tác xã hội ăn, uống hoặc ngủ hoặc ngừng chăm sóc y tế cho người sử dụng dịch vụ công tác xã hội,… Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật nói chung, không chỉ trong lĩnh vực công tác xã hội. Để bao quát hơn nữa những trường hợp khác mà Luật chưa nêu, có thể bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi phạm pháp luật được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác.

3. Xét phạm vi tác động của dự thảo Luật khá rộng, liên quan trách nhiệm nhiều ngành, như: Y tế, Công an, Tòa án, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội,.... Tuy nhiên, cơ chế để ràng buộc trách nhiệm chưa rõ ràng, điều này dễ dẫn đến tính hình thức trong tổ chức thực hiện.

4. Dự thảo quy định 6 nguyên tắc hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đó là: 1. Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người sử dụng dịch vụ công tác xã hội. 2. Tôn trọng quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; giữ bí mật thông tin cá nhân và đời tư được ghi trong hồ sơ quản lý trường hợp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 3. Cung cấp dịch vụ kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn nghiệp vụ công tác xã hội. 4. Ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với trường hợp khẩn cấp, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai. 5. Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề công tác xã hội. 6. Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người làm công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội khi cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Những nguyên tắc trên đều đề cập một cách chi tiết đến công tác xã hội. Bên cạnh đó, các hoạt động công tác xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó cũng cần có thêm nguyên tắc “tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật có liên quan” để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện.

5.  Dự thảo nêu Nhà nước có các chính sách về công tác xã hội, đó là: xây dựng cơ chế chính sách và bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của nhân dân, đặc biệt là các nhóm người ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Có chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Những chính sách nêu trên chưa bao quát hết quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật. Do đó, cần bổ sung thêm những nội dung khác, như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác xã hội; theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực này,...

6. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có quy định nào về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xã hội, ngoại trừ một khoản tại chính sách nhà nước là “Khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong cung cấp dịch vụ công tác xã hội”. Nội dung này cần được quan tâm nhiều hơn bằng các quy định cụ thể về xây dựng hệ cơ sở dữ liệu để quan lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xã hội.

7. Dự thảo quy định giám sát việc thi hành Luật Công tác xã hội. Theo đó, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thi hành Luật Công tác xã hội của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc thi hành pháp luật về công tác xã hội của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát việc thi hành pháp luật về công tác xã hội của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giám sát việc thi hành pháp luật về công tác xã hội được thực hiện theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát đối với việc thi hành pháp Luật này quy định của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Việc giám sát của các cơ quan, tổ chức nêu trên được thực hiện thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân về việc thi hành pháp luật về công tác xã hội theo quy định của Luật tiếp công dân. Cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dịch vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, quy định về giám sát nêu trên là không cần thiết vì chức năng giám sát của các cơ quan nêu trên là theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ về công tác xã hội.

8. Về xã hội hóa công tác xã hội, dự thảo quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Nhà nước hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tư nhân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nhà nước có hình thức khen thưởng thích hợp đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội không vì mục đích lợi nhuận; đóng góp, tài trợ, ủng hộ cho việc phát triển dịch vụ công tác xã hội.

Có thể nói, các hoạt động công tác xã hội chủ yếu là hướng đến đối tượng ’nhạy cảm”, ý nghĩa công việc mang tính chất xã hội nhiều hơn là lợi nhuận. Do đó, để xã hội hóa, phát triển các tổ chức ngoài nhà nước cùng tham gia vào thực hiện các hoạt động, dịch vụ công tác xã hội cần có những chính sách lớn hơn, ví dụ như miễn giảm thuế,...

 9. Dự thảo nêu về vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội. Theo đó, vai trò của công tác xã hội là: a) Nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng. b) Kết nối đối tượng với hệ thống các nguồn lực, dịch vụ và cơ hội trong xã hội. c) Thúc đẩy hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống cung cấp nguồn lực và dịch vụ xã hội. d) Phát triển và cải thiện chính sách xã hội.

Nhiệm vụ của công tác xã hội là: a) Cung cấp các dịch vụ can thiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp như tham vấn, quản lý công tác xã hội với cá nhân, công tác xã hội với nhóm và phát triển cộng đồng. b) Điều phối, kết nối, chuyển gửi các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn và nhu cầu đến các dịch vụ, nguồn lực phù hợp. c) Làm việc với các tổ chức xã hội và hệ thống xã hội, tạo thay đổi hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn. d) Tham gia thực hiện quản lý các dịch vụ hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng. đ) Tham gia vào xây dựng và vận động chính sách hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn. e) Tham gia các nghiên cứu chính sách và phát triển mô hình dịch vụ phù hợp đối với các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng.

Chính phủ hướng dẫn cụ thể vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe tâm thần và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, vai trò và nhiệm vụ của công tác xã hội khá nặng nề và nhạy cảm. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ từng nhiệm vụ của công tác xã hội cũng như vai trò của người làm công tác xã hội. Vấn đề này cần được quan tâm hơn để dự thảo thể hiện được đầy đủ ý nghĩa của công tác xã hội./.

 


[1] Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công tác xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.579.063
Lượt truy cập hiện tại 1.015