Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, khó khăn, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với thực tế hiện nay, cụ thể như sau:
Một là, chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức, theo đó, nhiều trường hợp bị lúng túng khi áp dụng xử phạt như: xử phạt đối tượng là chi nhánh, văn phòng đại diện, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công…;
Hai là, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động có thời hạn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc khi đối tượng bị xử phạt là bệnh viện công, bãi rác chung của tỉnh/thành phố.
Ba là, ngày 20 tháng 6 năm 2017 Quốc hội thông qua Luật số 12/2017/QH14 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, Chương tội phạm môi trường được sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau: (1) Chỉnh sửa các điều 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244 đối với các tội danh về môi trường, ô nhiễm môi trường; (2) Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những chủ thể này khi có những hoạt động có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường; (3) Quy định chi tiết, cụ thể hóa các hành vi gây ô nhiễm môi trường như: chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy; xả thải, xả nước thải có thông số môi trường nguy hại hoặc có chứa chất phóng xạ; chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái pháp luật. (4) Một số hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP mặc dù có quy định loại trừ trường hợp tội phạm môi trường nhưng hiện đã có hiệu lực áp dụng xử lý hình sự như hành vi quy định tại các điểm k, m, l, o, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y khoản 6 và khoản 10 Điều 14; điểm v khoản 5 và khoản 6 Điều 16; điểm n khoản 9 Điều 20.
Các nội dung sửa đổi nêu trên, dẫn đến một số quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP không tương thích, phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bốn là, ngày 13 tháng 5 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: (1) Nghị định số 18/2015/NĐ-CP: sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đánh giá tác động môi trường chiến lược để phù hợp với Luật Quy hoạch; khắc phục các bất cập về đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, thời điểm chủ dự án trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; quy định về vận hành thử nghiệm và báo cáo kết quả vận hành; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. (2) Nghị định số 19/2015/NĐ-CP: sửa đổi, bổ sung một số điều về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; xác nhận hệ thống quản lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường xung quanh (nước mặt, trầm tích, không khí, đất); sửa đổi quy định bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, quy định về ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; bãi bỏ danh mục và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… (3) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP: sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; quản lý nước thải, khí thải; quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp; bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; sửa đổi cơ bản quy định về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất… (4) Nghị định số 127/2014/NĐ-CP: bổ sung quy định về điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh không cần thiết và không thuộc phạm vi quản lý của ngành tài nguyên và môi trường…
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP với nhiều điểm mới như đã nêu trên, đòi hỏi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp.
Năm là, một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định chung cho các hành vi của cả Điều, chưa cụ thể nên gây lúng túng khi áp dụng trên thực tế; một số hành vi vi phạm diễn ra nhưng chưa được điều chỉnh tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Sáu là, một số Luật là cơ sở pháp lý để xây dựng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, cụ thể:
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung theo Luật Luật số 67/2020/QH14.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 39/2019/QH14 và Luật số 61/2020/QH14) được thay thế bởi Luật số 72/2020/QH14.
Những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường đã dẫn đến một số quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP không còn phù hợp.
Từ những phân tích như đã nêu trên, có thể thấy rằng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP vẫn còn những vướng mắc, bất cập dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của mình. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kiến nghị, đề xuất một số nội dung khi xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Một là, Điểm a khoản 1 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) quy định:
“1. Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định các nội dung sau đây:
a) Hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;”
Do đó, để thuận tiện cho việc xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, tránh những tranh chấp khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, kiến nghị bổ sung một Điều quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.
Hai là, kiến nghị bổ sung một Điều quy định rõ tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm khắc phục vướng mắc trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ba là, sửa đổi, bổ sung nội dung không áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (để áp dụng đối với các đối tượng như bệnh viện công, bãi rác chung của tỉnh/thành phố)…
Bốn là, sửa đổi, bãi bỏ một số điểm tại Điều 14, Điều 16 để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017:
- Hành vi xả nước thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường vượt từ 05 lần trở lên với thải lượng nước thải từ 500 m3/ngày trở lên.
- Hành vi thải bụi, khí thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường với lưu lượng khí thải từ 150.000 m3 /giờ trở lên.
Các hành vi nêu trên đã bị xử lý hình sự theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung theo khoản 58 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017).
Năm là, nghiên cứu bổ sung một số hành vi cho phù hợp với thực tế như: thay đổi kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thay đổi công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, công nghệ xử lý tạp chất đi kèm phế liệu mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận,…./.