1. Thành viên hợp danh phải có góp vốn?
Hiện nay, có tình trạng một số Văn phòng công chứng mặc dù có 02 thành viên hợp danh trở lên. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 01 thành viên hợp danh là có vốn, các thành viên còn lại không thực hiện việc góp vốn vào công ty mà chỉ đứng tên trên giấy tờ.
Khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này (Luật Công chứng) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 178 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tài sản góp vốn bao gồm: tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Điều 18 Luật Công chứng quy định chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trong Văn phòng công chứng trong các trường hợp sau đây: (1) Theo nguyện vọng cá nhân theo quy định của Luật Công chứng; (2) Các trường hợp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp liên quan đến công ty hợp danh.
Công chứng viên chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại trường hợp thứ hai được áp dụng theo quy định tại Điều 185 của Luật Doanh nghiệp, cụ thể: thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây: a) Tự nguyện rút vốn khỏi công ty; b) Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; c) Bị khai trừ khỏi công ty; d) Chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật; đ) Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định. Trong đó, một trong các trường hợp thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty là không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai.
Như vậy, trường hợp hợp thành viên hợp danh không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết thì bị khai trừ, là một trong những lý do để chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của công chứng viên.
Mặt khác, Điều 181 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh. Trong đó, liên quan đến vấn đề về vốn góp như sau: thành viên hợp danh có quyền được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty; khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác. Về nghĩa vụ, thành viên hợp danh phải chịu khoản lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ.
Với quy định này, việc góp vốn của thành viên hợp danh là một trong những căn cứ để xác định các quyền và nghĩa vụ có liên quan của thành viên hợp danh trong Văn phòng công chứng.
Theo các quy định như trên, thành viên hợp danh phải có góp vốn vào văn phòng công chứng, qua đó thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của thành viên hợp danh liên quan đến vốn góp.
2. Cần sửa đổi, bổ sung một số quy định để tăng cường sự quản lý của Nhà nước
Hiện nay, để xác định việc góp vốn của các thành viên hợp danh trong Văn phòng công chứng ngay từ giai đoạn mới thành lập có thuận lợi vì dựa trên Đề án thành lập Văn phòng công chứng để xác định. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bổ sung thành viên hợp danh thì vấn đề này khó kiểm soát hơn đối với cơ quan chức năng.
Điều 24 Luật Công chứng năm 2014 và khoản 2 Điều 2 của Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch quy định thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng:
“1. Khi thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này (gồm tên gọi của Văn phòng công chứng, họ tên Trưởng Văn phòng công chứng, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng, danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của Văn phòng công chứng (nếu có)), Văn phòng công chứng phải đăng ký nội dung thay đổi tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đã đăng ký hoạt động.
2. Văn phòng công chứng thay đổi tên gọi, trụ sở hoặc Trưởng Văn phòng công chứng thì được Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Như vậy, khi thay đổi về thành viên hợp danh (không phải là Trưởng Văn phòng) thì phải đăng ký nội dung thay đổi tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đã đăng ký hoạt động.
Về thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng khi có sự thay đổi công chứng viên hợp danh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp han hành Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng:
“1. Văn phòng công chứng đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Luật Công chứng hoặc Văn phòng công chứng nhận sáp nhập, Văn phòng công chứng được chuyển nhượng nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đăng ký hoạt động.
Hồ sơ bao gồm giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng (Mẫu TP-CC-10), bản chính giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng và một hoặc một số giấy tờ sau đây tùy vào nội dung đăng ký hoạt động được đề nghị thay đổi:
a) Trường hợp Văn phòng công chứng bổ sung công chứng viên: Văn bản chấp thuận của các công chứng viên hợp danh trong trường hợp bổ sung công chứng viên hợp danh hoặc hợp đồng lao động trong trường hợp bổ sung công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động kèm theo hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho công chứng viên;
b) Trường hợp Văn phòng công chứng giảm số lượng công chứng viên: Văn bản chấp thuận của các công chứng viên hợp danh và văn bản thông báo về việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Thông tư này hoặc giấy tờ chứng minh công chứng viên chấm dứt tư cách thành viên hợp danh trong các trường hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 của Thông tư này hoặc quyết định miễn nhiệm công chứng viên hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động với công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng;”.
Trong hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng khi có sự thay đổi công chứng viên hợp danh không có văn bản nào thể hiện cam kết góp vốn của thành viên hợp danh được bổ sung.
Trong khi đó, tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, tại mục 3 Chương II quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt đông công chứng, không có quy định về việc xử phạt đối với hành vi công chứng viên hợp danh không thực hiện góp vốn và văn phòng công chứng có công chứng viên hợp danh không góp vốn. Vấn đề này cũng là khó khăn khi thực hiện khâu hậu kiểm thanh tra, kiểm tra.
Thực tế trên cho thấy, khâu “đầu vào” và khâu “hậu kiểm” đều thiếu cơ chế để kiểm soát việc góp vốn của thành viên hợp danh trong Văn phòng công chứng. Vì vậy, cần có các quy định để kiểm soát ngay từ ban đầu và trong quá trình hoạt động của Văn phòng công chứng, tránh trường hợp cố ý “lách luật” với việc chỉ mời thành viên đứng tên để hợp thức hóa, đứng tên trên danh nghĩa mà không thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của một thành viên hợp danh theo quy định. Kiến nghị một số nội dung như sau:
Một là, trong thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng khi bổ sung thành viên hợp danh phải có giấy tờ cam kết về việc góp vốn và hoàn thành việc góp vốn trong thời hạn bao lâu theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cụ thể: khoản 2 Điều 186 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.
Hai là, quy định về cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp theo quy định tại khoản 4 Điều 178 Luật Doanh nghiệp, cụ thể: tại thời điểm góp đủ số vốn đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp.
Ba là, Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về Điều lệ công ty. Theo đó, Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Trong nội dung của Điều lệ công ty có Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên công ty hợp danh; quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty hợp danh. Đây cũng là một trong những căn cứ để cơ quan chức năng xác định việc thành viên hợp danh có góp vốn hay không. Nội dung này có thể quy định cụ thể vào Luật Công chứng để có căn cứ khi thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Bốn là, bổ sung quy định xử phạt đối hành vi công chứng viên hợp danh không thực hiện góp vốn và văn phòng công chứng có công chứng viên hợp danh không góp vốn trong Nghị định số 82/2020/NĐ-CP./.