Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
KẾT QUẢ 10 NĂM THI HÀNH LUẬT NUÔI CON NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 07/06/2021

Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 10/6/2010 và có hiệu lực ngày 01/01/2011, qua 10 năm thực Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả như sau:   

 

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT NUÔI CON NUÔI VÀ CÔNG ƯỚC LA HAY

1. Công tác xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay.

Nhằm triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi.[1] Về cơ bản, công tác xây dựng các văn bản triển khai Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành

Công tác triển khai, tuyên truyền nội dung Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành được Sở Tư pháp chỉ đạo tổ chức triển khai thường xuyên, tích cực; tổ chức lồng ghép các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi trong các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý về pháp luật; tiến hành tổ chức 09 (chín) Hội nghị tập huấn cho 1.260 đại biểu là công chức phụ trách phổ biến pháp luật tại địa phương, Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ chủ chốt ở cơ sở cũng như các công chức tư pháp tại các Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và công chức tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn; Tổ chức biên soạn 40 số Bản tin tư pháp (500 quyển/số); 05 tập sách “Pháp luật về các quyền dân sự” (1.000 quyển); “Hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở” 5.000 quyển; phát hành hàng trăm ngàn tờ gấp pháp luật trong đó có  chứa các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và phát miễn phí tới các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thông tin, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới trong đó có nội dung liên quan đến Luật Nuôi con nuôi. Qua đó nhận thức của các cấp, các ngành về pháp luật nuôi con nuôi ngày càng được nâng cao.

3. Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.

Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, trong đó có chuyên đề về lĩnh vực nuôi con nuôi để hướng dẫn nghiệp vụ cho các công chức tham mưu giải quyết việc nuôi con nuôi. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng thường xuyên cử công chức tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ Nuôi con nuôi do Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp tổ chức.

Ngoài ra, trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh nuôi con nuôi cho đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch để thực hiện có hiệu quả, chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật[2].

II. KẾT QUẢ THI HÀNH LUẬT NUÔI CON NUÔI

1. Nuôi con nuôi trong nước

- Việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, đã góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, thông qua việc giải quyết nuôi con nuôi cũng góp phần quan trọng bảo đảm cho nhiều người, đặc biệt phụ nữ độc thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn được có quyền làm cha, làm mẹ.

- Việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 23 Luật Nuôi con nuôi được thực hiện nghiêm túc; cha, mẹ nuôi theo định kỳ thực hiện báo cáo tình hình phát triển của con nuôi. Kết quả cho thấy, phần lớn trẻ em được nhận làm con nuôi có thể chất, tinh thần phát triển tốt; có sự tiến bộ trong việc hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng; cha, mẹ nuôi đều quan tâm chăm sóc con nuôi chu đáo, tạo cho trẻ được sống trong môi trường tốt nhất.

- Việc lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước được hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi và Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP  và Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi hiện nay.

2. Nuôi con nuôi nước ngoài

Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và xã hội hướng dẫn các cơ sở bảo trợ xã hội lập hồ sơ trẻ em có nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi gửi Sở Tư pháp để đăng thông báo tìm gia đình thay thế. Thực hiện Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/03/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ định Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh (nay là Trung tâm nuôi dưỡng và công tác xã hội) là cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, có văn bản thông báo cho Cục Con nuôi – Bộ Tư pháp theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 và Quyết định 2674/QĐ – UBND ngày 22/10/2020 (thay thế Quyết định số 1798/QĐ-UBND) về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, do đó công tác phối hợp liên ngành giải quyết nuôi con nuôi được thực hiện tốt.

3. Về công tác kiểm tra, thanh tra giải quyết việc nuôi con nuôi

Hàng năm, Sở Tư pháp chủ động ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến năm 2020 đã tiến hành thanh tra 09 Phòng Tư pháp cấp huyện, thị xã, thành phố và 24 đơn vị tại các xã, phường, thị trấn; tiến hành kiểm tra 12 đợt với 09 Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và 24 đơn vị xã, phường, thị trấn. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện vi phạm trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Khó khăn

a.  Về hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi thì người nhận con nuôi phải có Phiếu lý lịch tư pháp và Giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, quy định này gây khó khăn đối với những người có nhu cầu nhận nuôi con nuôi ở vùng sâu, vùng xa.

b) Về thủ tục đăng ký nuôi con nuôi

- Tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định Người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”. Tuy nhiên, trên thực tế không có căn cứ xác định tiêu chuẩn “có điều kiện về kinh tế”. Vì vậy, mỗi nơi áp dụng theo một cách khác nhau (dựa vào việc người nhận con nuôi có việc làm hoặc có thu nhập ổn định…). Ngoài ra, việc xác định “chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi” cũng khó khăn vì trong một số trường hợp người nhận con nuôi cung cấp thông tin không đúng với hoàn cảnh thực tế của mình.

- Về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em: tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích không còn khả năng nuôi dưỡng thì báo với Ủy ban nhân dân cấp xã để tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Tuy vậy, không có cơ sở để xác định thế nào “không có khả năng nuôi dưỡng” nên hầu như không có trẻ em nào được tìm gia đình thay thế đối với những trường hợp này.

- Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc của người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng sau khi sinh con, cha mẹ đẻ cho con làm con nuôi nhưng chỉ viết giấy tay, cung cấp giấy chứng sinh… mà không để lại địa chỉ hoặc để lại địa chỉ nhưng lại là địa chỉ giả. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, Ủy ban nhân dân cấp xã không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật.          

2. Nguyên nhân

Trình độ nhận thức của người dân (nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) về quy định của Luật Nuôi con nuôi còn hạn chế nên không thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục đăng ký nuôi con nuôi.

Kinh phí cho việc quản lý nhà nước về nuôi con nuôi mới chỉ đảm bảo được một phần so với yêu cầu công việc. Do đó, việc phổ biến các quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản có liên quan còn nhiều hạn chế, do đó nhận thức của người dân về vấn đề này cũng chưa thực sự đầy đủ.

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về công tác con nuôi, đảm bảo vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Về công tác hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi

Đề nghị Bộ Tư pháp ban hành hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định để giải quyết các khó khăn được nêu tại báo cáo này.

Việc nhận con nuôi là một việc làm nhân đạo, do đó cần có quy định miễn phí, lệ phí cho những người nhận con nuôi khi họ tiến hành làm các loại giấy tờ có trong thành phần hồ sơ.

3. Về các biện pháp tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi

- Tăng cường công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, đặc biệt là quy định về đăng ký nuôi con nuôi, hạn chế tình trạng tự ý đưa trẻ em về nuôi hoặc thỏa thuận đưa trẻ em về nuôi dưỡng nhưng không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan

Các cơ quan có liên quan đến hoạt động nuôi con nuôi cần chủ động hơn nữa trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

 


       [1] Chỉ thị số 33/2011/CT-UBND ngày 09/9/2011 về việc triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 09/11/2012 về việc triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế; Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 về quy chế phối hợp liên ngành giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 01/8/2019 về triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 2674/QĐ-UBND ngày 20/10/2020 về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 về công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

[2] Công văn số 1186/STP-HCTP ngày 29/8/2017; Công văn số 1620/STP-HCTP ngày 29/10/2018 và Công văn số 1965/STP-HCTP ngày 13/11/2019.

 

 

Trần Ngọc Tuấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.541.057
Lượt truy cập hiện tại 14.343