Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Rà soát nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19 và những kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục
Ngày cập nhật 20/05/2021

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch (khách sạn, nhà hàng, lữ hành, dịch vụ tham quan di tích,…); ngành dịch vụ giao thông vận tải, xây dựng; các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu; doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành công nghiệp dệt may, sản xuất bia; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ về giáo dục và đào tạo; lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

 

Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt. Đồng thời, đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được khôi phục; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Trước tình hình đó, đòi hỏi các ngành, các cấp vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Những hạn chế, vướng mắc các quy định của pháp luật do tác động của đại dịch Covid-19

Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật trong việc tác động của đại dịch Covid-19ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, qua công tác rà soát và tổ chức thi hành pháp luật cho thấy hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Các chính sách về hỗ trợ cho DN, đầu tư, tài chính, đất đai theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đất đai …và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành phát sinh nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn do ảnh hưởng, tác động của của đại dịch COVID-19 như tình trạng khó khăn về vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, khan hiếm nguồn nhân lực do giãn cách xã hội

2. Các chính sách về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu... và các Nghị định hướng hướng dẫn thi hành phát sinh nhiều nội dung không phù hợp với tình hình hiện nay do ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19 nhất là việc miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa của các doanh nghiệp nên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp

3. Các quy định về chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp, tiền lương theo quy định của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm….và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành không phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội hiện nay do ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch COVID-19 như là tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, mất thu nhập, bảo hiểm xã hội của người lao động

4. Điểm b, khoản 1, Điều 17 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ  về quản lý phân bón quy định thời gian từ khi tiếp nhận nhận hồ sơ đến khikiểm tra điều kiện buôn bán phân bón tại cơ sở, tổ chức là 10 ngày; Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật quy định thời gian từ khi nhận hồ sơ đến khi kiểm tra điều kiện buôn bán thuốc BVTV tại cơ sở, tổ chức là 21 ngày. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, thì việc đi kiểm tra các cơ sở, tổ chức là không thể thực hiện được do phải tuân thủ các quy định về cách ly (của Chính phủ, của địa phương). Vì vậy, rất khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đúng thời gian giải quyết TTHC theo các văn bản quy phạm pháp luật.         

5. Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định: “2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch…”

Quy định thêm thiết bị là thêm “tai mắt” cho chính doanh nghiệp và cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay các đơn vị kinh doanh vận tải bị các tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung thêm nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, càng chạy càng lỗ; khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

6. Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định về trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh “phải giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”; Khoản 5 Điều 8 Luật quy định: “Cấm phân biệt, đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”.

Các quy định trên đã dẫn đến cách hiểu việc phòng, chống dịch chỉ là trách nhiệm của riêng các cơ quan có thẩm quyền, đồng nghĩa với việc giảm nhẹ đi vai trò tham gia, sự chủ động phòng và chống dịch của mỗi người dân.

Ngoài ra, trong trường hợp các thông tin liên quan bệnh dịch không thể tiếp cận đầy đủ cũng làm cho người dân không nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh; có tâm lý chủ quan, thờ ơ, thậm chí không tuân thủ nghiêm túc các quy tắc trong phòng, chống dịch.

Khoản 8 Điều 2 Luật giải thích: “Giám sát bệnh truyền nhiễm là việc thu thập thông tin liên tục, có hệ thống về tình hình, chiều hướng của bệnh truyền nhiễm, phân tích, giải thích nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm”; Điều 20 Luật quy định hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm là: “giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát trung gian gây bệnh” và Khoản 4 Điều 23 Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất”.

Như vậy, với nhóm quy định về giám sát dịch bệnh của Luật đã cho thấy có sự chưa thống nhất giữa các điều luật. Theo cách quy định giải thích về giám sát dịch bệnh thì chủ thể thực hiện giám sát không phải là người dân; trong khi đó, quy định về trách nhiệm giám sát có đề cập đến “cá nhân”, điều này gây khó khăn trong việc áp dụng.

7. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn một số tồn tại, bất cập, không phù hợp với thực tiễn như: chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính nên khi xác định đối tượng vi phạm bị lúng túng do đối tượng có hành vi vi phạm là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công; một số cụm từ sử dụng trong Nghị định quy định chưa rõ ràng, khó hiểu nên xảy ra tình trạng áp dụng tùy nghi hoặc mức phạt chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy định tại các văn bản khác như mức phạt cao hơn quy định vềhành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19 tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có mức phạt là 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong khi đó Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường có những hành vi tương tự như hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hoặc hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

8. Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên: “2. Cơ sở giáo dục phổ thông quy định cụ thể quy trình và thời hạn lưu giữ hồ sơ dạy học trực tuyến theo Luật lưu trữ và các văn bản quy định hiện hành.”.

Quy định về quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT là phù hợp trong điều kiện bình thường; tuy nhiên, trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19, việc giao cho cơ sở giáo dục phổ thông quy định cụ thể quy trình, thời hạn lưu giữ hồ sơ dạy học trực tuyến theo Luật Lưu trữ và các văn bản quy định hiện hành là không tạo được sự thống nhất trong quản lý, chỉ đạo đối với các cơ sở giáo dục dạy học trực tuyến.

9. Khoản 4, Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục “4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Việc sử dụng hồ sơ điện tử thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình là phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 kéo dài; tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa ban hành văn bản quy định chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu để thực hiện việc liên thông cơ sở dữ liệu của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và toàn quốc (trong trường hợp hồ sơ được in ra từ dữ liệu điện tử được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận).

Kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc các quy định của pháp luật do tác động của đại dịch Covid-19thông qua công tác rà soát và tổ chức thi hành pháp luật

Thứ nhất: kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách, cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, tài chính, đất đai, đầu tư, nguyên vật liệu và nguồn nhân lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian miễm, giảm thuế ... theo các vướng mắc, hạn chế đã rà soát.

Đối với các quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí. Về lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợnhững ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục – đào tạo. Trong khi đó một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ..).

Thứ hai: về điều kiện, tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ; Chính phủ có thể căn cứ vào một số tiêu chí chủ yếu như : (i) tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác), (ii) lao động (tạo nhiều công ăn việc làm), (iii) có khả năng phục hồi sau đại dịch).

Thứ ba: đối với chính sách thuế, có thể nhận thấy tác động của các gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất hiện nay là rất nhỏ. Cần cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng gia hạn (trước mắt là hết năm 2021) để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí.

Nên xem xét hỗ trợ giảm thuế Giá trị gia tăng cho doanh nghiệp bởi đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng. Thuế này không cần phải có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế này phát sinh ngay khi cung cấp hàng hóa dịch vụ. Giảm thuế Giá trị gia tăng nên tập trung cho các dịch vụ như lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch…

Cần xem lại chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì đa phần các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản là do gánh nặng chi phí mà hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là không phù hợp với họ. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một phương thức hỗ trợ chưa đúng cách, đề xuất việc giãn, giảm thuế chỉ nên áp dụng đối với thuế Giá trị gia tăng thì đối tượng được hưởng sẽ nhiều hơn.

Thứ tư: đối với nhóm các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai,… cần phải được ưu tiên hàng đầu về nguồn lực và thực hiện nhanh chóng, đặc biệt là nếu bệnh dịch tái bùng phát trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần phải bao phủ được những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương - người lao động trình độ thấp và lao động trong khu vực phi chính thức khi họ chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất. Phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau (trong đó, hết sức chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin như: dịch vụ mobile money, ví điện tử,…) mới đảm bảo chính sách nhân văn sớm đi vào cuộc sống.

Liên quan đến bảo hiểm tự nguyện, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc để nâng cao trình độ cho người lao động, mặt khác giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng khi nền kinh tế cũng như doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại. Đồng thời, người lao động, dù tạm thời chưa có việc làm, nên được phép tiếp tục duy trì tham gia BHXH, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về BHTN và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thứ năm: đối với gói tín dụng hỗ trợ, cần sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid - 19) theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ đến cuối năm 2021, khi dịch có thể đã kết thúc, còn tiềm lực của doanh nghiệp, ngân hàng đã vững hơn.

Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.543.638
Lượt truy cập hiện tại 16.212