Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TẠI THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 30/09/2020

Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Giám định tư pháp là hoạt động giám định đặc biệt (khác với giám định thông thường để phục vụ cho việc quản lý nhà nước như: giám định chất lượng hàng hóa, giám định chất lượng công trình xây dựng,…), giám định tư pháp không mang tính quyền lực nhà nước, người thực hiện giám định tư pháp phải sử dụng những kiến thức nghiệp vụ sẵn có, sử dụng các phương pháp phù hợp và phải thực hiện đúng quy chuẩn chuyên môn để thực hiện giám định, phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình thực hiện và không bị chi phối bởi cơ quan, đơn vị quản lý hay cá nhân có thẩm quyền.

 

Theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012 thì Tổ chức giám định tư pháp bao gồm: tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Người giám định tư pháp bao gồm: giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.

Trước khi Luật giám định tư pháp năm 2012 có hiệu lực, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 03 tổ chức giám định tư pháp công lập, gồm: Trung tâm Pháp y tỉnh được thành lập năm 2006 (trực thuộc Sở Y tế); Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh được thành lập năm 2007 (trực thuộc Sở Y tế); Phòng Kỹ thuật hình sự thành lập năm 1993 (trực thuộc Công an tỉnh). Sau khi Luật giám định tư pháp năm 2012 có hiệu lực và thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” thì Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung trực thuộc Bộ Y tế được thành lập năm 2015 tại tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở kế thừa toàn bộ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh. Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố bao gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Tính đến ngày 30/6/2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 03 Tổ chức giám định tư pháp công lập[1]; 11 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc[2]; không có tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập. Và 73 giám định viên tư pháp[3]; 12 người giám định tư pháp theo vụ việc[4].

Các giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc đều có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng nghiệp vụ giám định đáp ứng yêu cầu thực tế, có sự hiểu biết pháp luật cần thiết cho hoạt động giám định tư pháp. Mặc dù chế độ đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc còn hạn chế, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng các giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc đều rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao và thực hiện giám định với tinh thần trách nhiệm cao. Trong năm 2019 đã thực hiện 1.524 vụ việc (Trong đó: Kỹ thuật hình sự: 558 vụ việc; Trung tâm pháp y: 937 vụ việc; Xây dựng: 02 vụ việc; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 12 vụ việc; Thông tin và Truyền thông: 01 vụ việc; Khoa học và Công nghệ: 12 vụ việc; Tài nguyên và Môi trường : 02 vụ việc).

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đáp ứng cơ bản yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Các kết luận giám định tư pháp đảm bảo về chất lượng, góp phần giúp Tòa án giải quyết tốt các vụ án.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ chế, chính sách như: chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao vào các tổ chức giám định tư pháp công lập, chưa mở rộng lĩnh vực giám định tư pháp ngòai công lập; trách nhiệm phối hợp của cơ quan quản lý về giám định tư pháp còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Hạn chế về đầu tư cơ sở vật chất như: các thiết bị, phương tiện phục vụ cho giám định tư pháp mang tính đặc thù, giá thành cao, nên việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giám định tư pháp của các ngành còn khó khăn; kết quả giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế chưa cao.

          Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, ngày 10/6/2020 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Trên cơ sở đó, hy vọng rằng hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát triển, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định tư pháp của hoạt động tố tụng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

 


[1] Phòng Kỹ thuật hình sự-Công an tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền Trung (trong đó Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền Trung trực thuộc Bộ Y tế)

[2] Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa và Thể thao; Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung Trung Bộ; Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần tư vấn xây dựng số 1 Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Tư vấn giao thông Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trí Huy; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.

[3] Pháp y: 10; Kỹ thuật hình sự: 14; Xây dựng: 01; Nông nghiệp: 11; Văn hóa: 07; Tài chính – Kế toán: 15; Thông tin – Truyền thông: 07; Pháp y tâm thần: 08.

[4] Xây dựng: 06; Quản lý đất đai: 01; Tài chính: 01; Tài nguyên môi trường: 01; Điện năng: 01; Kỹ thuật an toàn công nghiệp: 01; Sở hữu công nghiệp: 01.

 

Phan Thùy Dương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.547.964
Lượt truy cập hiện tại 18.398