Sau 7 năm thực hiện, Bộ luật Lao động đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Nội dung của Bộ luật Lao động vẫn chưa thể chế hóa hết các nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội ban hành nhiều luật mới làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan tới nội dung, kết cấu của Bộ luật Lao động như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng 2017 và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động như Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật an toàn - vệ sinh lao động năm 2015.
Bộ luật Lao động năm 2012 cũng chưa đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế: Một số quy định của Bộ luật Lao động 2012 chưa tương thích, nhất là các nội dung về tự do hiệp hội; bảo vệ quyền tổ chức và thương lượng tập thể; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 là cần thiết nhằm bổ sung các chế định thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật.
bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế khác nhau.
Với tinh thần trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhiều nội dung quan trọng, như: Mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; thời gian nghỉ tết âm lịch. Trong phạm vi bài viết này, tác giả góp ý một số vấn đề như sau:
- Về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, nhất trí việc đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong một số trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm và nhất trí việc Chính phủ sẽ quy định chi tiết thực hiện việc này trong một Nghị định. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ, cụ thể hơn về: làm thêm trong thời gian dài liên tục, thời gian làm thêm giờ tối đa trong một ngày (chỉ nên khoảng 30% số giờ làm việc bình thường), thời gian nghỉ giải lao; lương và đãi ngộ hợp lý… đặc biệt cần quy định rõ ngành nghề nào được làm thêm giờ để đảm bảo chất lượng nhân lực lâu dài và tuổi thọ của người lao động.
- Đồng ý về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải đảm bảo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.
Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.
Từ đó, đồng ý với Phương án: “Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”. Tuy nhiên, lộ trình tăng lương tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc đến yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề, tình hình việc làm của lao động trẻ, sức khỏe của người lao động. Theo đó, cần cân nhắc, xem xét thêm lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ của một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học. Đối với những đối tượng này, phải đánh giá tác động và phải lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ.
- Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, thống nhất với Dự thảo quy định tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển của thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, kiến nghị quy định chặt chẽ hơn tại các Điều 172 (Thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở); Điều 173 (Ban lãnh đạo, người đứng đầu và đoàn viên tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở); Điều 174 (Điều lệ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở) theo hướng đề cao về nguyên tắc, tính pháp lý; các nội dung cụ thể để Chính phủ quy định chi tiết.
- Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, nhất trí Phương án giữ nguyên hiện hành: “Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”. Việc hoán đổi các ngày làm việc trong thời gian nghỉ lễ, tết kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
- Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo đưa ra 2 phương án. Trong đó: Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên phương án 1 này là bất hợp lý, ví dụ là công chức nhà nước, nếu quy định làm việc từ 8h30 tới 17h30, có thể đầu giờ sáng là hợp lý cho việc đưa đón con đi học, nhưng giờ vào học của các cháu là 7h00, vậy làm việc từ 8h30 là có hợp lý? Hơn nữa, giờ tan học của học sinh là 16h30 đến 17h, vậy ai sẽ là người đón vì cả ba và mẹ đều là cán bộ công chức? Bên cạnh đó, nhu cầu thể thao cá nhân và chăm sóc cho gia đình cũng bị hạn chế. Từ bất cập đó, tôi nhất trí Phương án 2 (giữ nguyên như quy định luật hiện hành): Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định) để phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.