Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, đồng thời nâng cao hiệu quả xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết. Đối với dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV có phạm vi điều chỉnh mở rộng hơn so với Pháp lệnh là phù hợp với yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Với hồ sơ dự án Luật biên phòng Việt Nam được chuẩn bị tốt, đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bố cục, ngôn ngữ kỹ thuật trình bày. Bên cạnh đó, góp ý một số nội dung như sau:
1. Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam
Đối với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, xét tổng thể tên gọi của dự thảo Luật phù hợp với nội hàm và phạm vi điều chỉnh, Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, Luật Biên phòng Việt Nam là một lĩnh vực trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới, trong đó quy định cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách và quy định các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia hoạt động trên khu vực biên giới đều có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ biên giới. Do vậy, phạm vi điều chỉnh đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật là phù hợp.
Tuy nhiên, hoạt động Biên phòng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ thể khác nhau và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân... Vì vậy, kiến nghị cơ quan soạn thảo có sự rà soát, đánh giá tổng thể các quy định, tránh sự chồng chéo giữa các điều khoản, để đáp ứng sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung các quy định để tương xứng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.
2. Tại tiêu đề của Điều 4 dự thảo Luật quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm”, kiến nghị chỉnh sửa thành “Những hành vi bị nghiêm cấm” và kiến nghị rà soát lại quy định tại điều này để tránh quy định chông chéo với Luật Quốc phòng và Luật Biên giới quốc gia.
3. Tại điểm b, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới’, kiến nghị nghiên cứu, chỉnh sửa thành: “Tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới”.
4. Về tiêu đề của Chương III, dự thảo Luật quy định “Lực lượng bộ đội biên phòng”, đề nghị bỏ cụm từ “Lực lượng” để thống nhất với các điều của Chương này.
5. Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, cơ chế phối hợp hoạt động của bộ đội biên phòng (Điều 13 dự thảo Luật)
- Về vị trí, chức năng của bộ đội biên phòng (Khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật) quy định: “Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng làm nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng”.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia quy định “Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”.
Nhất trí nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật, tuy nhiên kiến nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định nội dung bãi bỏ Khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, tránh quy định chồng chéo.
6. Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (Điều 14 của dự thảo)
Khoản 5 Điều 15 dự thảo quy định “Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng,...”, đề nghị quy định ngắn gọn hơn, có thể điều chỉnh như sau “Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại quốc phòng, biên phòng ...”.
Tại Khoản 7 Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam theo quy định pháp luật trong chiến đấu, truy lùng, truy đuổi người phạm tội quả tang, người đang có quyết định truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội”.
Kiến nghị nghiên cứu, chỉnh sửa thành: “Huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam theo quy định pháp luật trong chiến đấu, truy bắt người phạm tội quả tang, người đang có quyết định truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội”.
7. Về nguồn lực tài chính (Điều 23 dự thảo Luật)
Kiến nghị ngoài nguồn từ kinh phí của Nhà nước cần đưa thêm một nguồn nữa đó là khuyến khích hệ thống chính trị, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất để nâng cao năng lực, hiệu quả đảm bảo an ninh quốc phòng.