Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Chuẩn tiếp cận pháp luật và những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện
Ngày cập nhật 04/02/2020

Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, thời gian qua, điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở nhiều địa phương được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ các thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời hạn, thủ tục đạt tỷ lệ cao, chủ yếu trên 90%, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính được khẳng định. Các văn bản pháp luật mới và những quy định pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở được quan tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, thực hiện nghiêm túc. Điều kiện vật chất, cơ sở làm việc của chính quyền các xã, phường, thị trấn được cải thiện đáng kể với nhiều trụ sở làm việc đáp ứng về diện tích tối thiểu và trang bị máy vi tính...

 

Khẳng định những kết quả tác động từ thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với đời sống xã hội và mỗi một người dân, thực tế triển khai nhiệm vụ này bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục để bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của công dân; đồng thời để việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật thật sự là động lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện, bảo đảm nguyên tắc “Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương” (khoản 2 Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg). Thực tế cho thấy, một số chính quyền cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm đến nhiệm vụ này và chỉ triển khai khi gắn với mục đích đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới. Một số huyện chưa chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị cấp xã tổ chức đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như xây dựng các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Sự phối hợp giữa các ngành trong triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí và các điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, thiếu sự kết nối, còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

- Hai là, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Một trong những căn cứ để ban hànhThông tư này là Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Tuy nhiên. hiện nay Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg đã hết hiệu lực thi hành; trong khi đó, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP để bảo đảm các nội dung chi, mức chi liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được phù hợp.

- Ba là, một trong những tiêu chí để đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tủ sách pháp luật. Tiêu chí này được xây dựng dựa trên Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg được thay thế bởi Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những quy định mới so với Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg. Do đó, cần sửa đổi tiêu chí về Tủ sách pháp luật theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg để triển khai.

- Bốn là, nhìn chung, các địa phương triển khai tổ chức đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm bảo đảm yêu cầu. Tuy nhiên, có một số địa phương không tổ chức đánh giá vì nhiều lý do mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở; hoặc có trường hợp triển khai đánh giá nhưng mang tính đối phó, hình thức, không thực chất, thiếu chính xác. Để có chế tài xử lý trong thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn, cần bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vào Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Năm là, trong Quyết định 619/QĐ-TTg nêu rõ quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Điều 7), quy định cụ thể thời hạn hoàn thành của cấp xã, cấp huyện, tuy nhiên chưa quy định thời hạn của cấp tỉnh. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện. Để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cần quy định cụ thể thời hạn để cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, quyết định giải pháp xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hằng năm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Sáu là, trong nguyên tắc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đã nêu rõ “Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã”. Tuy nhiên, đến nay, Quy định đã được triển khai đến năm thứ 4 nhưng để chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành tiêu chí đánh giá ‘phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã” vẫn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản liên quan. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg.

- Bảy là, đến nay, khi thực hiện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đa số các xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận chủ yếu vì không bảo đảm điều kiện “Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra”. Đối với điều kiện thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật hầu như đơn vị nào cũng đảm bảo và thực tế khó thẩm định, phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá một cách chủ quan của đơn vị khi tự chấm điểm, ví dụ như: Ban hành kế hoạch, văn bản khác triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên đúng yêu cầu, tiến độ, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, văn bản khác nêu trên (Ủy ban nhân dân cấp xã là nơi tiếp nhận rất nhiều văn bản chỉ đạo của cấp trên để triển khai thực hiện, do đó, khó xác định đầy đủ văn bản chỉ đạo của cấp trên); tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã, triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức phù hợp (trong năm có rất nhiều văn bản, chính sách mới ban hành, do đó, việc xác định phổ biến đầy đủ các văn bản, chính sách mới và với hình thức phù hợp là khó xác định); bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở theo quy định (các đơn vị bố trí kinh phí theo hướng “liệu cơm gắp mắm” nên khó đánh giá là kinh phí có đảm bảo cho công tác hay không),…

- Tám là, nhìn chung, Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP chủ yếu quy định về các điều kiện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và trình tự, thủ tục để thực hiện. Nói cách khác, các nội dung này như một “thước đo” để đo lường, đánh giá thực trạng hiện tại của chính quyền cấp cơ sở; mà chưa thực sự tạo động lực mạnh để chính quyền sở tại nhìn nhận, có giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong việc khắc phục hạn chế cũng như không ngừng nâng cao việc thực hiện các điều kiện nói chung và các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật nói riêng.

Mặc khác, tên gọi chung của Quyết định số 619/QĐ-TTg là quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhưng chủ yếu mới dừng ở “đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”, thiếu các quy định cụ thể, chi tiết hơn để “xây dựng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”.

Từ thực tế đó, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần đề ra những quy định nhằm ràng buộc chính quyền cấp cơ sở phải có giải pháp rõ ràng, hiệu quả để khắc phục các hạn chế, không ngừng nâng cao việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc “xây dựng” các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật nâng cao.

 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.739.820
Lượt truy cập hiện tại 13.807